Lí thuyết lựa chọn nhà cung cấp (Supplier Selection Theory) là gì?
Mục Lục
Lí thuyết lựa chọn nhà cung cấp
Lí thuyết lựa chọn nhà cung cấp trong tiếng Anh gọi là: Supplier Selection Theory.
Vijay R. Kannan & Keah Choon Tan (2006) cho rằng, nhiều động lực cạnh tranh đã đặt các công ty dưới áp lực để cải thiện chất lượng, hiệu suất phân phối và sự thích ứng trong khi đồng thời phải cắt giảm chi phí.
Do vậy, các công ty phải không ngừng khám phá ra các cách thức để tận dụng chuỗi cung ứng của họ. Đặc biệt, họ phải đánh giá một cách có hệ thống vai trò của những nhà cung cấp trong các hoạt động của họ.
Mặt khác, Anne Banks Pidduck (2006) cho rằng, việc lựa chọn nhà cung cấp liên quan đến nhiều đối tác làm việc cùng nhau để đạt được một mục tiêu. Trong mối quan hệ đối tác lí tưởng, mỗi nhà cung cấp có một kĩ năng hoặc tài năng cụ thể. Các đối tác, nhà cung cấp làm việc hợp tác sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, chia sẻ thông tin khi cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều sự lựa chọn đối tác, nhà cung cấp vẫn còn mang tính cá nhân, dựa trên tình bạn, dựa trên mối quan hệ trước đây, hoặc dựa trên danh tiếng.
Chi tiết hơn, Anne Banks Pidduck (2006) cho rằng, các đối tác nhà cung cấp thường được chọn từ những mối liên hệ hiện có; hoặc trải nghiệm trước đây với một người hoặc tổ chức cũng tạo nên niềm tin.
Vì vậy, việc lựa chọn một người mà họ đã biết hoặc lựa chọn những người được đề cử bởi một người mà họ tín nhiệm thì sẽ nhanh hơn, dễ dàng và hiệu quả hơn. Các đối tác nhà cung cấp thường được chọn từ mạng lưới các công ty mà có lịch sử được tín nhiệm mạnh.
Ngoài ra, Samuel Famiyeh & Amoako Kwarteng (2016) cho rằng, mục tiêu của việc lựa chọn nhà cung cấp chính là để chọn được nhà cung cấp tốt nhất cho một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể, đáng tin cậy, với những điều khoản công bằng, rủi ro thấp và có giá trị tối đa.
Mạng lưới xã hội, vốn xã hội và lựa chọn nhà cung cấp
Mạng lưới xã hội và vốn xã hội cũng đưa ra qui trình lựa chọn đối tác nhanh hơn, hiệu quả hơn. Cụ thể, nếu một đối tác, nhà cung cấp đã làm việc trước đó với công ty, hoặc đối tác, nhà cung cấp đã được đề xuất bởi một người nào đó mà công ty tin tưởng, thì có khả năng là mối quan hệ liên kết đó sẽ thành công.
Và nếu, công ty đã làm việc trước đây với đối tác này, thì nhiều qui trình và thủ tục đôi bên dường như đã nắm rõ, nên họ càng tin tưởng và cơ hội thành công cao hơn.
(Mối quan hệ giữa vốn xã hội và kết quả kinh doanh - Tiếp cận theo hướng lí thuyết, PGS.TS. Bùi Thanh Tráng, ThS. Lê Thanh Tùng, Tạp chí Công thương, 2020)