Lí thuyết đánh đổi tĩnh (Static Trade-Off Theory - STT) là gì?
Mục Lục
Lí thuyết đánh đổi tĩnh
Lí thuyết đánh đổi tĩnh trong tiếng Anh được gọi là Static Trade-Off Theory - STT.
Lí thuyết đánh đổi tĩnh xem xét một cơ cấu vốn mục tiêu (tối ưu) của một doanh nghiệp mà cơ cấu vốn này được xác định dựa vào sự đánh đổi giữa lợi ích cận biên của thuế (lá chắn thuế) và chi phí liên quan đến nợ (chi phí kiệt quệ tài chính và chi phí đại diện).
Nguồn gốc hình thành
Kế thừa kết quả nghiên cứu của Miller và Modigliani, lí thuyết đánh đổi tĩnh về cơ cấu vốn được ra đời để giải thích về cơ cấu vốn của doanh nghiệp.
Ở nghiên cứu này, Miller & Modigliani (1963) đã nới lỏng các giả định bằng cách xem xét thuế thu nhập doanh nghiệp như một nhân tố xác định cơ cấu vốn. Dưới góc độ doanh nghiệp, sử dụng nợ có thể làm tăng giá trị của doanh nghiệp do lợi ích của lá chắn thuế từ nợ.
Chính vì vậy, theo Miller & Modigliani (1963), doanh nghiệp nên sử dụng nợ càng nhiều càng tốt để tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều nợ cũng phát sinh chi phí cho doanh nghiệp như chi phí kiệt quệ tài chính và chi phí đại diện (Jensen & Meckling, 1976; Myers, 1977).
Nội dung
Khi doanh nghiệp tăng tỉ lệ nợ trên vốn cổ phần, lợi ích của lá chắn từ thuế sẽ tăng. Mức độ đòn bẩy cao cũng thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc giảm mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và nhà quản lí liên quan đến dòng tiền tự do (Jensen, 1986), chiến lược đầu tư tối ưu (Myers, 1977).
Tuy nhiên, mức độ đòn bẩy cao đồng thời làm tăng chi phí kiệt quệ tài chính. Tăng mức độ sử dụng nợ sẽ làm tăng gánh nặng trả gốc và lãi trong tương lai, qua đó làm tăng khả năng doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản.
Tỷ số nợ/vốn cổ phần sẽ đạt mức tối ưu (điểm cân bằng) khi giá trị hiện tại của lá chắn thuế từ nợ bằng với giá trị hiện tại của chi phí từ việc sử dụng nợ.
Nếu doanh nghiệp tiếp tục tăng tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần và vượt quá điểm cân bằng, lúc đó, giá trị hiện tại của chi phí từ việc sử dụng nợ sẽ lớn hơn giá trị hiện tại của lá chắn thuế từ nợ. Điều này không những không mang lại lợi ích từ việc sử dụng nợ mà còn làm giảm giá trị doanh nghiệp.
Chính vì vậy, các nhà quản lí tài chính doanh nghiệp cần phải tính toán sự đánh đổi giữa lợi ích và chi phí của việc sử dụng nợ nhằm xác định một cơ cấu vốn tối ưu phù hợp với doanh nghiệp mình, từ đó sẽ đạt được mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.
(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Đại học Hàng hải Việt Nam)