Lí thuyết của Heckscher – Ohlin về lợi thế tương đối (Heckscher-Ohlin theory) là gì?
Mục Lục
Lí thuyết của Heckscher – Ohlin về lợi thế tương đối
Lí thuyết của Heckscher – Ohlin về lợi thế tương đối trong tiếng Anh gọi là: Heckscher-Ohlin theory.
Nội dung của định lí Heckscher – Ohlin có thể được trình bày ngắn gọn như sau:
Một quốc gia sẽ xuất khẩu những mặt hàng mà việc sản xuất đòi hỏi sử dụng nhiều một cách tương đối yếu tố sản xuất dồi dào và rẻ của quốc gia đó và nhập khẩu những mặt hàng mà việc sản xuất đòi hỏi sử dụng nhiều một cách tương đối yếu tố khan hiếm và đắt ở quốc gia đó.
Tóm lại, quốc gia dồi dào về lao động nên xuất khẩu những mặt hàng sử dụng nhiều lao động một cách tương đối và nhập khẩu những mặt hàng sử dụng nhiều vốn một cách tương đối.
Cơ sở các giả thiết và các khái niệm cơ bản
Lí thuyết của Heckscher – Ohlin xuất phát từ các giả thiết và các khái niệm cơ bản sau
a) Các giả thiết của Heckscher – Ohlin
- Thế giới chỉ có 2 quốc gia chỉ có 2 loại hàng hóa (X và Y) và chỉ có 2 loại yếu tố lao động và vốn
- Hai quốc gia sử dụng công nghệ sản xuất hàng hóa giống nhau và thị hiếu của các dân tộc như nhau
- Hàng hóa X chứa đựng nhiều lao động, còn hàng hóa Y chứa đựng nhiều vốn
- Tỉ lệ giữa đầu tư và sản lượng của 2 hàng hóa trong 2 quốc gia là một hằng số. Cả 2 quốc gia đều chuyên môn hóa sản xuất ở mức không hoàn toàn
- Cạnh tranh hoàn hảo trong thị trường hàng hóa và thị trường các yếu tố đầu vào ở cả 2 quốc gia
- Các yếu tố đầu vào tự do di chuyển trong từng quốc gia nhưng bị cản trở trong phạm vi quốc tế
- Không có chi phí vận tải, không có hàng rào thuế quan và các trở ngại khác trong thương mại giữa 2 nước.
b) Hàm lượng các yếu tố sản xuất trong các hàng hóa
Chúng ta nói rằng hàng hóa Y là hàng hóa chứa đựng nhiều vốn nếu tỉ số vốn/lao động (K/L) được sử dụng để sản xuất hàng hóa Y lớn hơn hàng hóa X trong cả 2 quốc gia.
Chúng ta cũng nói rằng quốc gia thứ II là quốc gia dồi dào về vốn so với quốc gia thứ I nếu tỉ số giữa lãi suất trên tiền lương (r/w) ở quốc gia này thấp hơn so với quốc gia thứ nhất.
c) Mức độ dồi dào của các yếu tố sản xuất P
Một quốc gia được gọi là tương đối dồi dào về lao động (hay về vốn) nếu như tỉ lệ giữa lực lượng lao động (hay lượng vốn) và các yếu tố sản xuất khác của quốc gia đó lớn hơn tỉ lệ tương ứng của quốc gia kia.
(Tài liệu tham khảo: Bài giảng Quản trị Kinh doanh Quốc tế, GS.TS. Bùi Xuân Phong, 2013, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)