Lệ phí xả thải (Discharge fee) là gì?
Mục Lục
Lệ phí xả thải
Lệ phí xả thải trong tiếng Anh tạm dịch là: Discharge fee.
Lệ phí xả thải: là lệ phí đánh vào từng đơn vị xả thải, tính theo số lượng và chất lượng các chất gây ô nhiễm. Lệ phí này thường được áp dụng đối với không khí, nước, rác phế thải, tiếng ồn… (xem hình 1).
Công cụ có nhược điểm là tính chất khó quan trắc.
Chi phí tác hại biên (MEC) là chi phí mà xã hội phải gánh chịu khi có thêm 1 đơn vị chất thải.
Chi phí làm giảm ô nhiễm biên (MAC) là chi phí để xử lí 1 đơn vị chất thải tăng thêm.
Khi chính phủ ấn định một mức lệ phí xả thải là 3 ngàn đồng/đơn vị chất thải, doanh nghiệp tối thiểu hóa các chi phí của mình bằng cách giảm lượng chất thải từ 26đv xuống còn 12đv.
Với mọi mức xả thải cao hơn 12đv, chi phí biên làm giảm ô nhiễm (MAC) thấp hơn lệ phí xả thải, do đó doanh nghiệp sẽ chi tiền để làm giảm mức xả thải. Nhưng nếu dưới 12đv thì chi phí làm giảm ô nhiễm biên lớn hơn lệ phí, do đó doanh nghiệp sẽ chấp nhận trả lệ phí.
Tổng lệ phí phải nộp của doanh nghiệp bằng diện tích hình chữ nhật gạch chéo và chi phí giảm ô nhiễm được thể hiện bằng diện tích hình tam giác nằm dưới đường MAC đến bên phải của E = 12đv. Chi phí này nhỏ hơn số lệ phí mà doanh nghiệp phải nộp nếu doanh nghiệp không làm giảm mức xả thải.
Hình 1
Ý nghĩa
Lệ phí xả thải là một trong những công cụ khuyến khích kinh tế nhằm tác động tới chi phí và lợi ích trong hoạt động của các tổ chức kinh tế để tác động tới hành vi ứng xử của người sản xuất, người tiêu dùng sao cho có lợi cho môi trường.
Cơ sở xây dựng công cụ
Cũng như các công cụ kinh tế như thuế, lệ phí dựa trên nguyên tắc cơ bản là: "Người gây ô nhiễm phải trả tiền" có nghĩa là người gây ô nhiễm (doanh nghiệp, cá nhân, hay chính quyền) phải trả hoàn toàn các chi phí về sự phá hoại môi trường do hoạt động của họ gây ra.
Điều này sẽ khuyến khích người ta giảm sự phá hoại đó, ít ra cũng ở mức mà chi phí biên của việc giảm ô nhiễm bằng chi phí biên của sự tổn hại do ô nhiễm đó gây ra.
Phương pháp sử dụng các công cụ kinh tế nhấn mạnh ích lợi của các công cụ kinh tế được dùng để thay đổi thái độ của con người thông qua cơ chế về giá cả.
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Ngọc Uyển - TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh - ThS. Hoàng Đinh Thảo Vy, Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh)