Lâm nghiệp cộng đồng (Community forestry) là gì? Tiêu chí nhận biết
Mục Lục
Lâm nghiệp cộng đồng
Lâm nghiệp cộng đồng hay còn gọi là Cộng đồng tham gia quản lí rừng trong tiếng Anh được gọi là Community forestry.
Theo FAO, lâm nghiệp cộng đồng là thuật ngữ bao trùm diễn tả hàng loạt các hoạt động gắn người dân với rừng, cây, các sản phẩm của rừng và việc phân chia lợi ích các sản phẩm này.
Ở Việt Nam
Hiện nay, ở Việt Nam có những quan điểm khác nhau về lâm nghiệp cộng đồng và chưa có một định nghĩa chính thức nào được công nhận.
Tuy nhiên, qua các cuộc hội thảo dường như mọi người đều thống nhất ở Việt Nam có hai hình thức quản lí rừng cộng đồng phù hợp với định nghĩa của FAO như sau:
- Thứ nhất là quản lí rừng cộng đồng
Đây là hình thức mà mọi thành viên của cộng đồng tham gia quản lí và ăn chia sản phẩm hoặc hưởng lợi từ những khu rừng thuộc quyền quản lí, sử dụng, sở hữu của cộng đồng hoặc thuộc quyền sử dụng chung của cộng đồng.
- Thứ hai là quản lí rừng dựa vào cộng đồng
Đây là hình thức cộng đồng tham gia quản lí các khu rừng không thuộc quyền quản lí, sử dụng, sở hữu chung của họ mà thuộc quyền quản lí, sử dụng sở hữu của các thành phần kinh tế khác nhưng có quan hệ trực tiếp đến đời sống, đến việc làm, thu hoạch sản phẩm, thu nhập hay các lợi ích khác của cộng đồng (thuỷ lợi nhỏ, nước sinh hoạt...).
Khái quát các tiêu chí nhận biết lâm nghiệp cộng đồng
Các tiêu chí | Các chỉ số nhận biết |
1. Quyền sử dụng đất và quyền sử dụng rừng thuộc về cộng đồng | - Được Nhà nước giao đất, giao rừng và sử dụng rừng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp - Được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng (hợp pháp hoá diện tích rừng cộng đồng đã quản lí theo truyền thống từ nhiều năm trước, rừng do HTX bàn giao lại cho cộng đồng quản lí) |
2. Mục đích của rừng cộng đồng | - Cung cấp gỗ gia dụng của cộng đồng dân cư thôn (gỗ và lâm sản để làm nhà mới, sửa chữa lớn nhà cửa, củi, măng, chăn thả gia súc..) - Cung cấp gỗ và lâm sản phục vụ chung cho cộng đồng thôn. - Bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất - Bảo vệ rừng gỗ quí, rừng thiêng, rừng ma |
3. Sử dụng các nguồn lực để quản lí rừng cộng đồng | - Chủ yếu sử dụng các nguồn lực sẵn có của cộng đồng, - Có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ |
4. Qui ước/hương ước quản lí rừng | Qui ước/hương ước được xây dựng với sự tham gia của toàn thể cộng đồng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận. |
5. Hình thức tổ chức quản lí rừng cộng đồng | Hình thức tổ chức và quản lí rừng linh hoạt (thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, các hộ gia đình trong cộng đồng luân phiên tuần tra rừng, huy động các tổ chức đoàn thể cấp cộng đồng tham gia bảo vệ rừng...) |
(Tài liệu tham khảo: Cẩm nang ngành lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2006)