Lãi suất qua đêm có bảo đảm (Secured Overnight Financing Rate - SOFR) là gì? Sự thay thế LIBOR
Mục Lục
Lãi suất qua đêm có bảo đảm
Lãi suất qua đêm có bảo đảm tiếng Anh là Secured Overnight Financing Rate, viết tắt là SOFR.
Lãi suất qua đêm có bảo đảm (SOFR) là lãi suất chuẩn cho các công cụ phái sinh và các khoản vay bằng USD được kì vọng sẽ thay thế lãi suất LIBOR.
Đặc điểm của Lãi suất qua đêm có bảo đảm
Lãi suất qua đêm có bảo đảm (SOFR) là một mức lãi suất có ảnh hưởng mà các ngân hàng sử dụng để định giá các công cụ phái sinh và cho vay bằng đô la Mỹ. Lãi suất SOFR hàng ngày dựa trên các giao dịch trong thị trường mua lại trái phiếu kho bạc Mỹ, nơi các nhà đầu tư cung cấp cho các ngân hàng các khoản vay qua đêm được bảo đảm bởi tài sản trái phiếu của họ.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đã bắt đầu công bố lãi suất này vào tháng 4/2018 nhằm đề xuất phương án thay thế LIBOR, một lãi suất chuẩn được sử dụng trên toàn thế giới rất lâu từ trước tới nay.
Lãi suất chuẩn như SOFR rất cần thiết trong giao dịch các công cụ phái sinh, đặc biệt là hoán đổi lãi suất, mà các tập đoàn và các bên sử dụng để quản lí rủi ro lãi suất và rủi ro đầu cơ thay đổi chi phí đi vay. Hoán đổi lãi suất là các thỏa thuận trong đó các bên trao đổi các khoản thanh toán lãi suất cố định với các khoản thanh toán lãi suất thả nổi.
Kể từ khi thành lập vào giữa những năm 1980, LIBOR đã trở thành mức lãi suất mà các nhà đầu tư và ngân hàng dùng để chốt các hợp đồng tín dụng của họ. Bao gồm 5 loại tiền tệ và 7 kì hạn, LIBOR được xác định bằng cách tính lãi suất trung bình mà các ngân hàng lớn trên toàn cầu vay lẫn nhau. 5 loại tiền tệ là đô la Mỹ (USD), Euro (EUR), bảng Anh (GBP), Yên Nhật (JPY) và đồng franc Thụy Sĩ (CHF). LIBOR được sử dụng phổ biến nhất là tỉ giá đô la Mỹ 3 tháng, thường được gọi là lãi suất LIBOR hiện tại.
Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà quản lí đã cảnh giác với sự phụ thuộc quá mức vào tiêu chuẩn cụ thể đó. LIBOR chủ yếu dựa trên ước tính từ các ngân hàng toàn cầu được khảo sát và không nhất thiết phải dựa trên các giao dịch thực tế. Nhược điểm này trở nên rõ ràng hơn sau sự kiện phát hiện hơn 10 định chế tài chính đã làm sai lệch dữ liệu của họ để thu được lợi nhuận lớn hơn từ các sản phẩm phái sinh dựa trên LIBOR.
Hơn nữa, sự gia tăng các qui định ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính đồng nghĩa với việc có ít khoản vay liên ngân hàng hơn. Một số quan chức bày tỏ lo ngại rằng khối lượng hoạt động giao dịch hạn chế khiến lãi suất này không còn đáng tin cậy nữa.
Hơn nữa, cơ quan quản lí của Anh tính toán lãi suất LIBOR cho biết họ sẽ không còn yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin cho vay liên ngân hàng sau năm 2021. Điều đó đã khiến các nước phát triển trên khắp thế giới cạnh tranh lẫn nhau để tìm một tỉ lệ tham chiếu thay thế cuối cùng có thể thay thế nó.
Năm 2017, Cục Dự trữ Liên bang đã tập hợp Ủy ban lãi suất tham chiếu thay thế, bao gồm một số ngân hàng lớn, để chọn lãi suất tham chiếu thay thế. Ủy ban đã chọn SOFR, lãi suất qua đêm, làm chuẩn mực mới cho các hợp đồng bằng USD.
Các quốc gia khác đã tìm kiếm sự thay thế của riêng họ cho LIBOR. Nước Anh đã chọn lãi suất trung bình liên ngân hàng qua đêm (SONIA) của đồng bảng Anh, tức lãi suất cho vay qua đêm, làm chuẩn mực cho các hợp đồng dựa trên đồng bảng Anh trong tương lai. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chọn sử dụng Trung bình chỉ số qua đêm Euro (EONIA), dựa trên các khoản vay qua đêm không có bảo đảm, trong khi Nhật Bản sẽ sử dụng tỉ lệ riêng của mình, được gọi là TONAR.
(Theo Investopedia)