Kinh tế vi mô (Microeconomics) là gì? Đối tượng và nội dung nghiên cứu
Mục Lục
Kinh tế vi mô (Microeconomics)
Kinh tế vi mô trong tiếng Anh là Microeconomics. Kinh tế vi mô là môn khoa học nghiên cứu, phân tích, lựa chọn các vấn đề kinh tế cụ thể của các tế bào kinh tế trong một nền kinh tế.
Bản chất
Kinh tế vi mô là môn khoa học nghiên cứu hành vi của từng cá nhân, từng doanh nghiệp như người tiêu dùng, người sản xuất, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp... cũng như sự tương tác giữa họ trên các thị trường cụ thể.
Nó giải thích tại sao các đơn vị và các cá nhân lại đưa ra các quyết định về kinh tế và họ làm như thế nào để có các quyết định đó.
Đối tượng nghiên cứu của kinh tế vi mô
Kinh tế vi mô là một môn khoa học kinh tế, một môn khoa học cơ bản, cung cấp kiến thức lí luận và phương pháp kinh tế cho các môn quản lí doanh nghiệp trong các ngành của nền kinh tế quốc dân.
Nó là khoa học về sự lựa chọn hoạt động kinh tế vi mô trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong kinh tế thị trường.
Đối tượng nghiên cứu của kinh tế vi mô là nghiên cứu các vấn đề kinh tế cơ bản của từng đơn vị kinh tế, nghiên cứu tính qui luật và xu hướng vận động tất yếu của các hoạt động kinh tế vi mô, những khuyết tật của nền kinh tế thị trường và vai trò của Chính phủ.
Nội dung nghiên cứu
Kinh tế vi mô sẽ nghiên cứu tập trung vào một số nội dung quan trọng nhất như những vấn đề kinh tế cơ bản về thị trường, sản xuất và chi phí, lợi nhuận và quyết định cung cấp thị trường các yếu tố đầu vào, hạn chế của kinh tế thị trường và sự can thiệp của chính phủ.
Để có cơ sở nghiên cứu cụ thể về những vấn đề nêu trên, kinh tế vi mô trình bày những nội dung chủ yếu sau đây:
- Kinh tế vi mô và những vấn đề cơ bản của doanh nghiệp
- Cung cầu hàng hóa
- Lí thuyết hành vi người tiêu dùng
- Lí thuyết về doanh nghiệp
- Cạnh tranh và độc quyền
- Thị trường và các yếu tố sản xuất
- Những hạn chế của kinh tế thị trường và sự can thiệp của chính phủ
Phương pháp nghiên cứu kinh tế vi mô
- Sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học chung của khoa học kinh tế để nắm vững những vấn đề lí luận, phương pháp luận và phương pháp lựa chọn kinh tế tối ưu trong các hoạt động kinh tế vi mô. Đây là phương pháp cơ bản, xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu của kinh tế vi mô.
- Gắn chặt việc nghiên cứu lí luận, phương pháp luận với thực hành trong quá trình học tập để củng cố, nâng cao những nhận thức về lí luận, tập vận dụng lí luận, phương pháp luận để giải quyết những vấn đề cụ thể, các tình huống cụ thể trong hoạt động kinh tế vi mô.
- Gắn việc nghiên cứu lí luận với thực tiễn sinh động của các doanh nghiệp ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới.
Ngoài các phương pháp chung đã được vận dụng đối với môn học, chúng tá cần áp dụng các phương pháp riêng như sau:
- Phải đơn giản hóa việc nghiên cứu các mối quan hệ phức tạp.
- Áp dụng phương pháp cân bằng nội bộ, bộ phận, xem xét từng đơn vị vi mô, không xem xét sự tác động đến các vấn đề khác; xem xét một yếu tố thay đổi, tác động trong các điều kiện yếu tố khác không thay đổi.
- Cần sử dụng mô hình hóa như công cụ toán học và phương trình vi phân để lượng hóa các quan hệ kinh tế.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vi mô, NXB Hà Nội)