Kinh tế chất thải (Waste economy) là gì?
Mục Lục
Kinh tế chất thải
Kinh tế chất thải trong tiếng Anh gọi là: Waste economy.
Kinh tế chất thải bao gồm tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh tế liên quan đến phát sinh, thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng, vận chuyển, thiêu đốt hoặc chôn lấp chất thải.
Kinh tế chất thải đối với hoạt động doanh nghiệp
Mục tiêu hoạt động của bất cứ một doanh nghiệp nào trong nền kinh tế thị trường hướng tới là tối đa hóa lợi nhuận, một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp là giải quyết chất thải do quá trình sản xuất tạo ra.
Những lựa chọn Kinh tế đạt mục tiêu quản lí môi trường mà các doanh nghiệp có thể tiến hành để giảm thiểu chất thải, tăng hiệu quả sản xuất bao gồm:
- Giảm từ nguồn
Để đạt được mục tiêu giảm thiểu chất thải từ nguồn, những phương thức mà các doanh nghiệp có thể tiến hành như:
Thay đổi các nguyên liệu thô cho đầu vào sản xuất; thay thế hoặc cải tiến sản phẩm; thay đổi công nghệ sản xuất; cải thiện dây chuyền sản xuất nhằm giảm hoặc loại bỏ sự sinh ra chất thải trong một quá trình nào đó.
Trong thực tiễn để thực hiện được những nội dung này về mặt kĩ thuật người ta phải tiến hành đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA).
Tức là phân tích toàn bộ vòng đời của sản phẩm, bao gồm việc nhận dạng và định lượng năng lượng và nguyên liệu sử dụng, chất thải ra môi trường, đánh giá tác động tới môi trường và cơ hội cải thiện môi trường theo qui trình bốn bước, bắt đầu từ bổ sung - khởi đầu, kiểm kê, tác động và cải thiện.
Hình thức này hướng tới mục tiêu sản phẩm đầu ra không đổi, thậm chí còn tăng lên, nhưng sẽ giảm nguyên liệu đầu vào và giảm chất thải. Hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp sẽ tăng lên và cải thiện chất lượng môi trường.
- Tái chế, tái sử dụng chất thải
+ Tái chế chất thải: thực chất là người ta lấy lại những phần vật chất của sản phẩm hàng hóa cũ và sử dụng các nguyên liệu này để chế tạo ra sản phẩm mới.
Các nguyên liệu phải được gia công lại và các công đoạn của qui trình công nghệ sẽ được bổ sung.
Bên cạnh những lợi ích do tái chế đưa lại như giảm tiêu dùng tài nguyên, giảm nhu cầu năng lượng, giảm sử dụng nước, giảm sự phát thải ra không khí, đất, nước, giảm chất thải cho xử lí và thải bỏ.
Ở các quốc gia có trình độ công nghệ thấp những công nghệ lạc hậu này sẽ phần nào tăng thêm mức độ tác động tới môi trường do tái chế gây ra.
Ví dụ điển hình như những làng nghề truyền thống tái chế sắt thép Đa hội; tái chế giấy Dương ổ (Bắc ninh); tái chế nhựa và túi ni lông tại xã Minh Khai, Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) v.v...
+ Tái sử dụng chất thải: Thực chất có những sản phẩm hoặc nguyên liệu có quãng đời hữu dụng kéo dài, người ta có thể sử dụng được nhiều lần mà không bị thay đổi hình dạng vật lí, tính chất hóa học. Ví dụ như các vỏ chai hoàn lại, nhiều đồ dùng bằng vật liệu gỗ, mây tre đan v.v...
Trong tái sử dụng thông thường những sản phẩm hoặc nguyên liệu khi đưa vào sử dụng có cùng mục đích hoặc có mục đích tương tự như nhau.
Do chất thải có thể tái chế hay tái sử dụng mà doạnh nghiệp có thể tăng doanh thu của mình thông qua việc bán hoặc sử dụng lại chất thải, nghĩa là gián tiếp làm giảm chi phí trong hoạt động sản xuất.
- Xử lí chất thải
Xử lí chất thải hay người ta còn gọi là "Xử lí cuối đường ống". Những hình thức xử lí này của các doanh nghiệp thường là:
+ Xử lí nội vi, hay còn gọi là xử lí tại chỗ trong hàng rào của doanh nghiệp, chi phí cho việc xử lí tại chỗ bao gồm: Xây dựng lò thiêu đốt, bãi chôn lấp, xử lí vật lí, hóa học, xử lí nước thải, tái chế, tái lọc các chất thải dầu mỡ.
+ Xử lí ngoại vi hay còn gọi là xử lí bên ngoài hàng rào của doanh nghiệp: Những chi phí cho xử lí ngoại vi bao gồm lò thiêu, tái chế, phục hồi, tái sử dụng, bãi chôn lấp và các nhà máy xử lí chất thải thành phố.
Đối với các doanh nghiệp thường phải chi trả một khoản phí chất thải cho các dịch vụ làm nhiệm vụ thu gom và xử lí chất thải.
Ngoài hai hình thức xử lí cơ bản trên việ xử lí chất thải còn diễn ra dưới những hình thức như xuất khẩu chất thải sang các nước khác; cất giữ nội vi hoặc ngoại vi; trao đổi chất thải.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy việc xử lí chất thải cuối đường ống thường chi phí tốn kém, phần nào đạt hiệu quả môi trường nhưng tăng chi phí cho doanh nghiệp.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình kinh tế và quản lí môi trường, Nguyễn Thế Chinh, Đại học Kinh tế Quốc dân)