Kinh doanh vận tải thủy nội địa (Inland Water Transport Business) là gì?
Mục Lục
Kinh doanh vận tải thủy nội địa (Inland Water Transport Business)
Kinh doanh vận tải thủy nội địa - danh từ, trong tiếng Anh tạm dịch là Inland Water Transport Business.
Kinh doanh vận tải thủy nội địa là hoạt động của đơn vị kinh doanh sử dụng phương tiện thủy nội địa để vận tải hành khách, hàng hóa có thu cước phí vận tải.
Kinh doanh vận tải thủy nội địa bao gồm các hình thức sau:
1. Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định;
2. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến;
3. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch;
4. Kinh doanh vận tải hành khách ngang sông;
5. Kinh doanh vận tải hàng hóa.
Điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa
Điều kiện chung
Đơn vị kinh doanh vận tải thủy nội địa phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có đăng kí kinh doanh ngành nghề vận tải thủy nội địa.
2. Phương tiện phải bảo đảm an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường theo qui định; phù hợp với hình thức và phương án kinh doanh.
3. Thuyền viên phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo qui định. Thuyền viên phải đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo qui định của Bộ Y tế.
4. Thuyền viên, nhân viên phục vụ có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, vợ, chồng, con của chủ hộ kinh doanh).
5. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba.
Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Đáp ứng các điều kiện chung.
2. Có văn bản chấp thuận tuyến hoạt động và phương án khai thác tuyến của cơ quan có thẩm quyền nơi đơn vị kinh doanh nộp đơn đăng kí vận tải hành khách thủy nội địa theo tuyến cố định. Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thủ tục đăng kí tuyến hoạt động vận tải hành khách thủy nội địa theo tuyến cố định.
3. Nhân viên phục vụ trên phương tiện phải được tập huấn về nghiệp vụ và các qui định của pháp luật đối với hoạt động vận tải theo qui định của Bộ Giao thông vận tải.
4. Người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kĩ thuật khác.
5. Có nơi neo đậu cho phương tiện phù hợp với phương án khai thác tuyến và bảo đảm các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường theo qui định.
6. Phương tiện phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động - AIS khi hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo.
7. Có bộ phận quản lí, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông. (Theo Nghị định Số: 110/2014/NĐ-CP)