Kiểm soát hải quan (Customs control) là gì? Nội dung kiểm soát hải quan
Mục Lục
Kiểm soát hải quan (Customs control)
Kiểm soát hải quan trong tiếng Anh là Customs control.
Kiểm soát hải quan là biện pháp tuần tra, điều tra, xác minh hoặc biện pháp nghiệp vụ khác do cơ quan hải quan áp dụng để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan. (theo Điều 4, Luật Hải quan 2014)
Vị trí và vai trò của kiểm soát hải quan
- Kiểm soát hải quan là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chức năng quản lí nhà nước về hải quan
- Kiểm soát hải quan góp phần bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì mở cửa và hội nhập của đất nước
- Kiểm soát hải quan góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng và các hành vi tiêu cực khác trong bộ máy Nhà nước và nội bộ ngành Hải quan.
Nội dung kiểm soát hải quan
Các nội dung kiểm soát hải quan bao gồm:
- Tổ chức hoạt động thu thập, phân tích và xử lí thông tin nghiệp vụ hải quan, phục vụ quản lí hải quan hiện đại, chủ động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và xử lí các vi phạm pháp luật về hải quan;
- Chủ động phát hiện, ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, ngoại hối, tiền Việt Nam qua biên giới;
- Điều tra, xử lí vi phạm pháp luật hải quan
- Hợp tác quốc tế trong công tác kiểm soát hải quan
Hình thức kiểm soát hải quan
Trong công tác kiểm soát hải quan, tùy theo đối tượng, hoàn cảnh, ý đồ nghiệp vụ mà cán bộ hải quan có thể sử dụng một trong hai hình thức: công khai và bí mật
- Công khai: bao gồm các biện pháp tuần tra, kiểm tra, khám xét, bắt giữ, xử lí...
- Bí mật: bao gồm các biện pháp: trinh pháp, cơ sở bí mật, điều tra chuyên án, sưu tra...
Tuy nhiên, trong hình thức công khai cũng cần đảm bảo yếu tố bí mật, đặc biệt về ý đồ công tác, trong sử dụng lực lượng, đội ngũ, trong xử lí thông tin... Có biện pháp lại vừa mang hình thức công khai, vừa mang hình thức bí mật như biện pháp tuần tra. Giữa hai hình thức có quan hệ mật thiết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau.
Trong công tác, cần sử dụng hài hòa, hợp lí hai hình thức này tùy theo hoàn cảnh và đối tượng. Khi cần thiết, có thể chuyển hóa từ hình thức này sang hình thức khác.
Các biện pháp kiểm soát hải quan
- Điều tra nghiên cứu nắm tình hình: là biện pháp nghiệp vụ được thực hiện dựa trên cơ sở thu thập, xử lí thông tin nhằm chủ động đề ra phương án, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh thích hợp
- Biện pháp sưu tra: lực lượng kiểm soát hải quan tiến hành lập danh sách các tổ chức, cá nhân, mặt hàng, tuyến đường có nhiều khả năng liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa và quản lí theo trọng tâm, trọng điểm
- Công tác cơ sở bí mật: Tuyển chọn, xây dựng, sử dụng những người không thuộc biên chế của cơ quan hải quan để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
- Các biện pháp trinh sát nội tuyến, trinh sát ngoại tuyến và trinh sát kĩ thuật
- Đấu tranh chuyên án
- Tuần tra kiểm soát
- Vận động quần chúng tham gia phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Hải quan cơ bản, NXB Tài chính)