Khuyến mại du lịch (Tourism promotion) là gì? Pháp luật về khuyến mại du lịch tại Việt Nam
Mục Lục
Khuyến mại du lịch
Khuyến mại du lịch trong tiếng Anh gọi là: Tourism promotion.
Khuyến mại du lịch là một hình thức xúc tiến thương mại của thương nhân trong lĩnh vực du lịch nhằm thu hút khách hàng thông qua việc dành lợi ích nhất định cho khách hàng; và vì vậy, vấn đề này chịu sự điều chỉnh của pháp luật thương mại.
Pháp luật về khuyến mại du lịch tại Việt Nam
Pháp luật về khuyến mại du lịch (KMDL) hình thành và phát triển do nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật. Theo đó, pháp luật về khuyến mại du lịch là tổng hợp các qui tắc xử sự do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khuyến mại du lịch của thương nhân.
Các quan hệ xã hội này bao gồm:
- Quan hệ sử dụng dịch vụ hình thành giữa thương nhân có nhu cầu KMDL với thương nhân kinh doanh dịch vụ KMDL hoặc các tổ chức khác có khả năng cung cấp dịch vụ;
- Quan hệ giữa thương nhân với người tiêu dùng, với chủ phương tiện thông tin khi thương nhân thực hiện hoạt động KMDL.
- Quan hệ giữa thương nhân với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ thuộc phạm vi Nhà nước quản lí về KMDL.
Nguồn của pháp luật về KMDL bao gồm nhiều văn bản, tập trung ở lĩnh vực pháp luật thương mại, như Luật Thương mại năm 2005, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 qui định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại qui định nhiều hình thức khuyến mại;
Nghị định số 185/2013/NĐ-CP qui định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, và các văn bản hướng dẫn thi hành khác.
Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong khuyến mại du lịch:
Để hoạt động KMDL diễn ra lành mạnh, an toàn, tôn trọng lợi ích của khách du lịch, khách hàng và thương nhân khác, pháp luật qui định cho thương nhân khuyến mại các quyền và nghĩa vụ pháp lí cụ thể.
Thương nhân có quyền lựa chọn hình thức, thời gian, địa điểm khuyến mại; qui định những lợi ích cụ thể mà khách hàng được hưởng; tự mình hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại cho mình theo qui định của pháp luật.
Bên cạnh những quyền này, căn cứ vào Điều 96 Luật Thương mại năm 2005, thương nhân hoạt động KMDL (bao gồm cả thương nhân kinh doanh dịch vụ KMDL) có nghĩa vụ như sau:
- Nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các qui định về trình tự, thủ tục pháp lí cần thiết để thực hiện các hình thức KMDL.
Nhìn chung, qui định hiện hành về vấn đề này khá thoáng, chủ yếu là thủ tục “đăng kí” hoạt động khuyến mại trước khi thực hiện và “thông báo” kết quả sau khi kết thúc đợt khuyến mại.
Thủ tục “xin phép” vẫn tồn tại nhưng được áp dụng rất hạn chế, chỉ trong trường hợp thương nhân sử dụng các hình thức khuyến mại mà pháp luật chưa dự liệu đến.
- Nghĩa vụ thông báo công khai các nội dung thông tin về hoạt động KMDL cho khách hàng trên hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa hoặc tại địa điểm bán hàng và nơi để hàng hóa bày bán, tại địa điểm cung ứng dịch vụ hoặc dưới hình thức khác.
- Nghĩa vụ thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và các cam kết với khách hàng: Thương nhân thực hiện khuyến mại không được chấm dứt việc thực hiện chương trình KMDL trước thời hạn đã công bố hoặc đã được cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền xác nhận, trừ trường hợp bất khả kháng.
Việc chấm dứt chương trình KMDL trước thời hạn phải được thông báo công khai tới khách hàng và cơ quan quản lí nhà nước về thương mại có thẩm quyền.
- Nghĩa vụ trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng đối với hình thức KMDL mang tính may rủi qui định tại khoản 6 Điều 92 Luật Thương mại năm 2005, chẳng hạn như tổ chức các chương trình phát phiếu, thẻ dự thưởng, quay số, rút thăm, bốc thăm trúng thưởng.
(Tài liệu tham khảo: Một số qui định pháp luật về khuyến mại du lịch và giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi, ThS. Châu Vũ, Tạp chí Công thương, 2019)