Khủng hoảng tài chính châu Á (Asian Financial Crisis) là gì?
Mục Lục
Khủng hoảng tài chính châu Á
Khủng hoảng tài chính châu Á trong tiếng Anh là Asian Financial Crisis, hoặc còn gọi là Asian Contagion.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á là một chuỗi các cuộc mất giá tiền tệ và các sự kiện khác bắt đầu vào mùa hè năm 1997 và lan rộng ra nhiều nước châu Á.
Thị trường tiền tệ sụp đổ đầu tiên tại Thái Lan, là kết quả của quyết định của chính phủ về việc thả nổi đồng baht. Sự giảm giá tiền tệ lan truyền nhanh chóng khắp Đông Á, khiến thị trường chứng khoán giảm điểm, doanh thu nhập khẩu giảm và các chính phủ chịu biến động đột ngột.
Do sự mất giá của đồng baht Thái Lan, một lượng lớn đồng tiền của các nước Đông Á đã bị mất giá tới 38%. Chứng khoán quốc tế cũng giảm tới 60%. May mắn là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á được ngăn cản một phần nhờ sự can thiệp tài chính từ Quĩ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á
Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ một số hiện tượng của các ngành công nghiệp, tài chính và tiền tệ. Nhìn chung, phần lớn chúng liên quan đến chiến lược tăng trưởng kinh tế nhờ xuất khẩu được áp dụng trên khắp các nền kinh tế các nước Đông Á đang phát triển trong những năm trước khủng hỏang.
Chiến lược này liên quan đến sự hợp tác chặt chẽ của chính phủ với các nhà sản xuất sản phẩm xuất khẩu, bao gồm trợ cấp, thỏa thuận tài chính thuận lợi và cố định tỉ giá hối đoái với đồng USD để tạo thuận lợi cho các nhà xuất khẩu.
Chính sách của các nước này đã góp phần tạo ra rủi ro đạo đức lớn, khuyến khích đầu tư lớn vào các dự án đầy rủi ro.
Năm 1995, chính phủ Mỹ, Đức và Nhật Bản đã đồng ý hợp tác để đồng USD được định giá cao so với đồng yen và đồng Deutsche Mark. Điều này dẫn đến tăng giá của các loại tiền các nước Đông Á đã neo giá vào đồng USD, dẫn đến áp lực tài chính lớn do hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản và Đức ngày càng tăng tính cạnh tranh.
Xuất khẩu và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm. Chính phủ các nước Đông Á và các tổ chức tài chính liên quan ngày càng khó vay bằng USD để trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước và duy trì chế độ tỉ giá của họ.
Phản ứng đối với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á
Quĩ Tiền tệ Thế giới đã can thiệp, cấp các khoản vay để ổn định nền kinh tế châu Á chịu ảnh hưởng. Khoảng 110 tỉ USD dưới dạng các khoản vay ngắn hạn đã được chuyển cho Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc để giúp ổn định nền kinh tế.
Đổi lại, các nước này phải tuân theo các điều kiện nghiêm ngặt bao gồm tăng thuế và lãi suất, giảm chi tiêu công. Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng có dấu hiệu phục hồi vào năm 1999.
Bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á
Nhiều bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vẫn có thể được áp dụng cho các tình huống ngày nay và để phòng tránh các vấn đề trong tương lai.
Các nhà đầu tư nên cẩn thận với bong bóng tài sản, khi chúng vỡ, các nhà đầu tư sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn. Các chính phủ phải cẩn trọng với chi tiêu.
Mọi khoản chi của chính phủ cho cơ sở hạ tầng có thể đã góp phần thổi phồng bong bóng tài sản đã gây ra cuộc khủng hoảng này, và điều tương tự cũng có thể xảy ra với các sự kiện tương lai.
(Theo investopedia)