Khu vực kinh doanh của cửa hàng bán lẻ (Retail Trade Area) là gì?
Mục Lục
Khu vực kinh doanh của cửa hàng bán lẻ
Khu vực kinh doanh của cửa hàng bán lẻ trong tiếng Anh là Retail Trade Area.
Khu vực kinh doanh của cửa hàng bán lẻ là khu vực địa lí cung cấp phần lớn khách hàng cho cửa hàng, là khoảng cách xa nhất mà khách hàng chịu di chuyển để đến cửa hàng bán lẻ.
Các nhà bán lẻ thường có dữ liệu đáng tin cậy để vạch ra khu vực kinh doanh, bao gồm những hồ sơ và ghi chép về giao dịch của khách hàng từ các công ty phân tích marketing và các nguồn khác. Ngoài ra còn có dữ liệu từ điểm bán hàng (POS) và các phương tiện khác như nghiên cứu giao thông (xem xét biển số xe trong bãi đỗ xe để xem khách hàng từ đâu đến).
Phân định khu vực kinh doanh của cửa hàng bán lẻ
Các nhà bán lẻ có thể phân định khu vực kinh doanh theo nhiều cách khác nhau, một trong số đó là cấu trúc ba lớp:
Khu vực đầu: Khu vực này cung cấp 55% đến 70% lượng khách của cửa hàng, là khu vực sống của những khách hàng thường xuyên.
Khu vực thứ cấp: Là khu vực sống của 15%-20% lượng khách tiếp theo của cửa hàng.
Kết hợp giữa khu vực đầu và khu vực thứ cấp được gọi là khu vực kinh doanh chính.
Khu vực rìa: hay còn gọi là khu vực thứ ba, là khu vực của lượng khách hàng còn lại.
Đối với những sản phẩm khác nhau, quãng đường mà một người chấp nhận di chuyển để mua chúng là khác nhau. Có một số sản phẩm mà khách hàng sẵn sàng đi xa để mua chúng.
Ngoài ra còn một số cách khác để phân định khu vực kinh doanh:
Khu vực kinh doanh tiện lợi tại địa phương: Khu vực này được xác định bởi sự tiếp cận dễ dàng, thời gian đi lại và khoảng cách ngắn. Ví dụ, trừ một vài ngoại lệ, mọi người chủ yếu sẽ mua xăng và hàng tạp hóa trong một khu vực cụ thể.
Khu vực kinh doanh so sánh - Mọi người sẽ đi xa hơn để mua những mặt hàng đắt tiền, hoặc khi họ muốn so sánh giá cả, kiểu dáng hoặc chất lượng sản phẩm; đối với các mặt hàng như đồ nội thất và thiết bị trong gia đình.
Phân tích khu vực kinh doanh của cửa hàng bán lẻ
Là quá trình cố gắng hình dung và hiểu khách hàng của cửa hàng bán lẻ đến từ đâu. Các nhà bán lẻ muốn biết có bao nhiêu khách hàng tiềm năng, và họ muốn biết về những khách hàng đó.
Ngoài việc định vị vị trí địa lí của khách hàng, dữ liệu từ phân tích khu vực kinh doanh có thể được sử dụng cho:
- Lựa chọn các loại hàng hóa dựa trên sở thích của những cư dân trong địa phương.
- Lựa chọn địa điểm: chọn vị trí tối ưu dựa trên khu vực kinh doanh tiềm năng.
- Marketing mục tiêu: lựa chọn đối tượng nhắm đến để quảng cáo.
- Phân tích cạnh tranh: xác định chính xác đối thủ của bạn để chọn địa điểm tốt nhất cho cửa hàng.
(Theo study.com)