Không gian bán hàng (Atmospherics) là gì? Các tiêu chí về không gian bán hàng
Mục Lục
Không gian bán hàng
Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, Atmospherics lần đầu tiên được sử dụng bởi Philip Kotler như một công cụ tiếp thị vào năm 1973. Trong tiếng Việt, đến giờ chúng ta vẫn chưa tìm được từ tương đương để có thể lột tả chính xác nhất ý nghĩa của thuật ngữ này, nên có thể tạm dịch là không gian bán hàng.
Không gian bán hàng là các đặc điểm có thể điều chỉnh được của không gian cửa hàng nhằm lôi kéo khách hàng vào cửa hàng mua sắm.
Các khía cạnh như ánh sáng, âm thanh xung quanh, bài trí hàng hóa và các tiêu chí tương tự đều thuộc về không gian bán hàng. Các tiêu chí này được áp dụng nhằm tác động đến tâm trạng của khách hàng và tăng tỉ lệ mua hàng.
Hầu hết các cửa hàng bán lẻ đều sử dụng không gian bán hàng, ngay cả khi khó mà nhận ra chúng.
Ví dụ, một big-box store (đại cửa hiệu) có thể được biết đến với lối đi rộng, được chiếu sáng tốt và những tấm bảng màu đỏ. Các cửa hàng bán lẻ thời trang cao cấp có thể sẽ có ghế bọc hoặc ghế sofa để tạo cảm giác sang trọng khi mua sắm và cung cấp cho bạn đồng hành của khách hàng một nơi thoải mái để nghỉ ngơi khi phải chờ đợi. Các cửa hàng nhắm đến đối tượng thanh thiếu niên có thể sẽ sử dụng ánh sáng tương phản và âm nhạc sôi động.
Các tiêu chí về không gian bán hàng
- Cách bố trí không gian như vị trí của nhân viên bán hàng và quầy thu ngân
- Nhiệt độ tổng thể trong không gian
- Mùi hương hoặc hương liệu được sử dụng để kích thích và lôi kéo người mua hàng
- Vị trí của thông tin giá cả hoặc các bảng chỉ dẫn khác
- Âm nhạc để truyền cảm hứng, tạo cảm giác êm dịu hoặc khuấy động
- Đồ trang trí đại diện cho thương hiệu
Nhiều đại gia bán lẻ sẽ sử dụng các yếu tố của không gian bán hàng để giúp xác định thương hiệu bán lẻ của họ và làm cho nó trở nên khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Một nhược điểm là nếu lợi dụng quá mức không gian bán hàng, có thể có tác động ngược lại, khiến khách hàng sợ hãi hoặc đẩy những khách hàng tiềm năng đi.
Mùa mua sắm lễ tết là thời gian chính để phát huy tác dụng của không gian bán hàng. Các cửa hàng cạnh tranh để lôi kéo người tới mua sắm sẽ sử dụng âm nhạc, trang trí tùy theo chủ đề ngày lễ, thậm chí cả mùi hương. Họ cố gắng tạo ra một trải nghiệm giác quan cho khách hàng, những người có thể có nhiều khả năng chi tiền cho hàng hóa ngày lễ.
(Theo Investopedia)