Khoản vay vốn lưu động (Working Capital Loan) là gì? Ưu nhược điểm của khoản vay vốn lưu động
Mục Lục
Khoản vay vốn lưu động
Khoản vay vốn lưu động trong tiếng Anh là Working Capital Loan.
Khoản vay vốn lưu động là khoản vay được dùng để tài trợ cho các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Những khoản vay này không được sử dụng để mua tài sản dài hạn hoặc đầu tư, mà dùng để cung cấp vốn lưu động đáp ứng nhu cầu hoạt động ngắn hạn của doanh nghiệp.
Những nhu cầu đó có thể bao gồm trả lương nhân viên, tiền thuê nhà và các khoản thanh toán nợ. Do đó, khoản vay vốn lưu động đơn giản là các khoản vay nợ doanh nghiệp được dùng để tài trợ cho các hoạt động hàng ngày.
Đôi khi một doanh nghiệp không có đủ tiền mặt để trang trải cho chi phí hoạt động hàng ngày và do đó sẽ cần đến một khoản vay để đáp ứng mục đích này. Những doanh nghiệp có tính thời vụ cao hoặc có doanh số bán hàng theo chu kì thường dựa vào các khoản vay vốn lưu động trong những thời điểm hoạt động kinh doanh giảm.
Nhiều doanh nghiệp không có doanh thu ổn định trong suốt cả năm. Ví dụ các doanh nghiệp sản xuất có doanh số theo chu kì tương ứng với nhu cầu của các nhà bán lẻ. Hầu hết các nhà bán lẻ bán nhiều sản phẩm hơn trong quí 4 - mùa có nhiều ngày lễ - hơn mọi thời điểm khác trong năm.
Để có thể cung cấp cho các nhà bán lẻ một lượng hàng hóa thích hợp, hầu hết các hoạt động chế tạo của các doanh nghiệp sản xuất được tiến hành trong những tháng mùa hè, để có hàng tồn kho sẵn sàng cho quí 4.
Sau khi kết thúc năm, các nhà bán lẻ giảm mua hàng từ nhà sản xuất và tập trung vào việc bán nốt hàng tồn kho, dẫn đến doanh số sản xuất giảm.
Các nhà sản xuất có tính thời vụ thường cần có khoản vay vốn lưu động để trả lương và các chi phí hoạt động khác trong giai đoạn hoạt động kinh doanh ít. Khoản vay thường được trả vào thời điểm doanh nghiệp vào mùa bận rộn và không còn cần được tài trợ.
Ưu và nhược điểm của khoản vay vốn lưu động
Lợi ích trước mắt của khoản vay vốn lưu động là chúng dễ dàng được cấp, và chủ doanh nghiệp có thể trang trải những thiếu hụt trong vốn lưu động. Lợi ích đáng chú ý khác là đây là một hình thức tài trợ bằng nợ và không yêu cầu giao dịch vốn cổ phần, nghĩa là chủ doanh nghiệp có thể duy trì toàn quyền kiểm soát doanh nghiệp, ngay cả khi nhu cầu tài chính rất cấp bách.
Một số khoản vay vốn lưu động là khoản vay tín chấp và do đó doanh nghiệp không cần phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng cao mới đủ điều kiện cho khoản vay như vậy. Các doanh nghiệp khác thường sẽ phải chứng khoán hóa khoản vay.
Một khoản vay vốn lưu động cần tài sản thế chấp có thể là một nhược điểm của qui trình cho vay vốn lưu động. Ngoài ra còn có những hạn chế khác đối với loại hình cho vay vốn lưu động này, như lãi suất cao để bù đắp rủi ro cho các tổ chức cho vay.
Thêm vào đó, các khoản vay vốn lưu động thường được gắn với điểm tín dụng cá nhân của chủ doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc điểm tín dụng của họ sẽ bị giảm nếu không thanh toán được hoặc trễ hạn thanh toán khoản vay.
(Theo investopedia)