Khả năng chuyển đổi tiền tệ (Currency Convertibility) và mối quan hệ với kiểm soát vốn
Mục Lục
Khả năng chuyển đổi tiền tệ
Khả năng chuyển đổi tiền tệ trong tiếng Anh là Currency Convertibility.
Khả năng chuyển đổi tiền tệ là mức độ dễ dàng của việc chuyển đổi tiền tệ của một quốc gia sang vàng hoặc một đồng tiền khác. Khả năng chuyển đổi tiền tệ rất quan trọng đối với thương mại quốc tế vì đồng tiền được sử dụng để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu có thể không phải là tiền nội địa của người mua hàng.
Khi một quốc gia có khả năng chuyển đổi tiền tệ kém, có nghĩa là rất khó để đổi tiền nước đó sang một loại tiền tệ hoặc phương tiện lưu trữ giá trị khác, điều này sẽ gây ra rủi ro và rào cản thương mại với các nước ngoài không có nhu cầu về đồng nội tệ của nước này.
Thường thì nền kinh tế của một quốc gia và khả năng chuyển đổi của tiền tệ nước đó có mối tương quan với nhau. Nền kinh tế một nước càng mạnh trên phạm vi toàn cầu thì đồng tiền nước đó càng dễ dàng được chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác.
Các hạn chế của chính phủ có thể dẫn đến tiền tệ có khả năng chuyển đổi thấp. Ví dụ, một nước có dự trữ ngoại tệ mạnh thấp thường có khả năng chuyển đổi tiền tệ bị hạn chế vì chính phủ nước đó sẽ không có khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối (nâng giá, giảm giá đồng nội tệ) để hỗ trợ đồng tiền của chính nước mình khi cần thiết.
Các quốc gia mà tiền tệ có khả năng chuyển đổi kém phải chịu bất lợi về thương mại quốc tế vì các giao dịch không diễn ra suôn sẻ như các quốc gia có khả năng chuyển đổi tốt. Thực tế này sẽ ngăn cản các quốc gia khác giao dịch với họ. Khả năng chuyển đổi tiền tệ kém có thể khiến kinh tế tăng trưởng chậm hơn vì bỏ lỡ cơ hội thương mại toàn cầu.
Khả năng chuyển đổi tiền tệ và kiểm soát vốn
Khả năng chuyển đổi tiền tệ tốt đòi hỏi phải có sẵn nguồn cung tiền tệ, đó là lí do tại sao một số quốc gia áp đặt kiểm soát vốn đối với tiền rời khỏi đất nước mình. Khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, các nhà đầu tư thường sẽ tìm kiếm đầu tư ra nước ngoài hoặc chuyển đổi tiền của họ thành một trong những đồng tiền trú ẩn an toàn.
Để chống lại điều này và đảm bảo tiền không bị ồ ạt rút ra khỏi đất nước, một số chính phủ đã đưa ra các biện pháp kiểm soát để giảm sự tháo chạy vốn khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Kiểm soát vốn phổ biến nhất ở các nước thị trường mới nổi do sự không chắc chắn trong triển vọng kinh tế của họ. Trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nhiều quốc gia trong khu vực đã áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ để giảm bớt mối đe dọa từ việc tháo chạy vốn.
Gần đây, Hy Lạp đã áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn vào tháng 6 năm 2015 để làm chậm dòng vốn chảy ra trong cuộc khủng hoảng nợ. Những kiểm soát này giới hạn khoản tiền có thể rút ra từ hệ thống ngân hàng.
Điều thú vị về sự kiểm soát vốn của Hy Lạp là quốc gia này là thành viên của EU và sử dụng đồng euro, do đó, kiểm soát vốn không thực sự ảnh hưởng đến khả năng chuyển đổi tiền tệ vì Hy Lạp chỉ là một phần của nền kinh tế sử dụng đồng euro.
(Theo investopedia)