Kết cấu vốn lưu động (Working Capital Structure) là gì? Nhân tố ảnh hưởng
Mục Lục
Kết cấu vốn lưu động
Kết cấu vốn lưu động trong tiếng Anh được gọi là Working Capital Structure.
Kết cấu vốn lưu động là tỉ trọng giữa từng bộ phận vốn lưu động trên tổng số vốn lưu động của doanh nghiệp.
Việc nghiên cứu kết cấu vốn lưu động giúp ta thấy được tình hình phân bổ vốn lưu động và tỉ trọng của mỗi loại vốn chiếm trong các giai đoạn luân chuyển, từ đó xác định trọng điểm quản lí vốn lưu động, đồng thời tìm mọi biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động.
Các nhân tố ảnh hưởng đến kết cấu vốn lưu động
- Nhân tố về mặt sản xuất
Gồm các nhân tố qui mô sản xuất, tính chất sản xuất, trình độ sản xuất, qui trình công nghệ, độ phức tạp của sản phẩm khác nhau thì tỉ trọng vốn lưu động ở các khâu dự trữ - sản xuất - lưu thông cũng khác nhau.
- Nhân tố về cung ứng tiêu thụ
Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp thường cần rất nhiều vật tư, hàng hoá và do nhiều đơn vị cung cấp khác nhau. Nếu đơn vị cung ứng vật tư, hàng hoá càng nhiều, càng gần thì vốn dự trữ càng ít.
Trong điều kiện tiêu thụ sản phẩm cũng có ảnh hưởng nhất định đến kết cấu vốn lưu động. Khối lượng tiêu thụ sản phẩm mỗi lần nhiều hay ít, khoảng cách giữa doanh nghiệp với đơn vị mua hàng dài hay ngắn đều trực tiếp ảnh hưởng đến kết cấu vốn lưu động.
- Nhân tố về mặt thanh toán
Sử dụng thể thức thanh toán khác nhau thì vốn chiếm dụng trong quá trình thanh toán cũng khác nhau. Do đó nó ảnh hưởng đến việc tăng giảm vốn lưu động chiếm dùng ở khâu này.
Thuật ngữ liên quan
- Vốn lưu động là toàn bộ số tiền ứng trước mà doanh nghiệp bỏ ra để đầu tư hình thành nên các tài sản lưu động thường xuyên cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Vốn lưu động thuần hay vốn lưu động thường xuyên là chênh lệch giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn
(Tài liệu tham khảo: Tài sản lưu động và vốn lưu động trong doanh nghiệp, Trường Đại học Xây dựng miền Trung. Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính. Investopedia)