Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là gì? Qui định về chấm dứt hợp đồng
Mục Lục
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trong tiếng Anh là Contracts of carriage of goods by sea.
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển là hợp đồng được giao kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển thu tiền cước vận chuyển do người thuê vận chuyển trả và dùng tàu biển để vận chuyển hàng hóa từ cảng nhận hàng đến cảng trả hàng.
Phân loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
Căn cứ vào nội dung của hợp đồng, hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển bao gồm: hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển và hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo chuyến.
- Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hóa để vận chuyển.
Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển được giao kết theo hình thức do các bên thỏa thuận
- Hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo chuyến là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hóa theo chuyến.
Hợp đồng vận chuyển theo chuyến phải được giao kết bằng văn bản.
Đối với hợp đồng vận chuyển theo chuyến, người vận chuyển có nghĩa vụ dùng tàu biển đã được chỉ định trong hợp đồng để vận chuyển hàng hóa, trừ trường hợp người thuê vận chuyển đồng ý cho người vận chuyển thay thế tàu biển đã được chỉ định bằng tàu khác.
Người thuê vận chuyển có thể chuyển giao quyền theo hợp đồng cho người thứ ba mà không cần người vận chuyển đồng ý, những vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện hợp đồng đã giao kết.
Tham gia hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển theo chuyến cần lưu ý các qui định về chấm dứt hợp đồng đã giao kết.
Qui định về chấm dứt hợp đồng đối với hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
Thứ nhất, quyền chấm dứt hợp đồng của người thuê vận chuyển.
Người thuê vận chuyển có quyền chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
- Người vận chuyển không đưa tàu biển đến nơi bốc hàng đúng thờiđiểm thỏa thuận, chậm trễ trong việc bốc hàng hoặc bắt đầu chuyến đi; trong trường hợp này, người thuê vận chuyển có quyền yêu cầu bồi thường các tổn thất phát sinh;
- Khi hàng đã xếp xong mà vẫn chưa bắt đầu chuyến đi hoặc khi tàu biển đang thực hiện chuyến đi, người thuê vận chuyển có quyền yêu cầu dỡ hàng và phải trả đủ tiền cước vận chuyển, chi phí liên quan cho người vận chuyển.
Thứ hai, quyền chấm dứt hợp đồng của người vận chuyển
Người vận chuyển có quyền chấm dứt hợp đồng trước khi bắt đầu chuyến đi, nếu số hàng hóa đã bốc lên tàu biển chưa đủ theo hợp đồng và tổng giá trị của số hàng hóa đó không đủ để bảo đảm cho tiền cước vận chuyển và các chi phí liên quan mà người vận chuyển phải chi cho hàng hóa, trừ trường hợp người thuê vận chuyển đã trả đủ tiền cước vận chuyển hoặc có sự bảo đảm cần thiết.
Người thuê vận chuyển phải trả các chi phí liên quan đến việc dỡ hàng và một nửa tiền cước vận chuyển đã thỏa thuận.
Thứ ba, chấm dứt hợp đồng không phải bồi thường
Các bên tham gia hợp đồng có quyền chấm dứt hợp đồng mà không phải bồi thường, nếu trước khi tàu biển bắt đầu rời khỏi nơi bốc hàng đã xảy ra các sự kiện:
- Chiến tranh đe dọa sự an toàn của tàu biển hoặc hàng hóa; cảng nhận hàng hoặc cảng trả hàng được công bố bị phong tỏa
- Tàu biển bị bắt giữa hoặc tạm giữ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không do lỗi của các bên tham gia hợp đồng
- Tàu biển bị Nhà nước trưng dụng
- Có lệnh cấm vận chuyển hàng hóa ra khỏi cảng nhận hàng hoặc vào cảng trả hàng.
Bên chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp nêu trên phải chịu chi phí dỡ hàng.
Thứ tư, hợp đồng đương nhiên chấm dứt
Hợp đồng đương nhiên bị chấm dứt, không bên nào phải bồi thường thiệt hại, nếu sau khi hợp đồng đã giao kết và trước khi tàu biển rời khỏi nơi bốc hàng mà không bên nào có lỗi trong các trường hợp sau đây:
- Tàu biển được chỉ định trong hợp đồng bị chìm đắm, mất tích, bị cưỡng đoạt
- Hàng hóa ghi trong hợp đồng bị mất
- Tàu biển được chỉ định trong hợp đồng được coi là hư hỏng không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa là không kinh tế
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Pháp luật kinh tế, NXB Tài chính)