Hỏi hàng (Enquiry) là gì? Nội dung thư hỏi hàng
Mục Lục
Hỏi hàng
Hỏi hàng trong tiếng Anh gọi là Enquiry.
Hỏi hàng là lời đề nghị giao dịch hay nói cách khác là đề nghị thiết lập quan hệ mua bán xuất phát từ phía người mua. Về phương diện thương mại thì đây là việc người mua đề nghị người bán báo cho mình biết giá cả và các điều kiện để mua hàng.
- Về mặt pháp lí: pháp luật không ràng buộc nghĩa vụ người hỏi hàng, có nghĩa là người hỏi hàng không có nghĩa vụ phải mua hàng. Không mua hàng người hỏi mua không thể bị kiện hoặc bị khiếu nại.
- Nội dung thư hỏi hàng: Pháp luật không qui định nội dung thư hỏi hàng, nhưng thông thường trong thư hỏi hàng càng hỏi chi tiết thì càng tiết kiệm được thời gian đàm phán để kí hợp đồng về sau.
Hỏi hàng là một trong những bước thông thường của giao dịch buôn bán thông thường trực tiếp trong buôn bán quốc tế.
Giao dịch buôn bán thông thường: phương thức này có thể là buôn bán trực tiếp giữa người bán và người mua hoặc có thể thông qua trung gian. (thông qua người thứ 3)
Các bước thường được thực hiện của giao dịch buôn bán thông thường trực tiếp trong buôn bán quốc tế:
1. Hỏi hàng (enquiry)
2. Phát giá còn gọi là chào hàng (offer)
Chào hàng là lời đề nghị kí kết hợp đồng xuất phát từ phía người bán. Khác với hỏi hàng chỉ là đề nghị thiết lập quan hệ mua bán.
3. Đặt hàng (order)
Trong đơn đặt hàng người mua thường nêu cụ thể tên hàng hoá định mua và đề nghị người bán cung cấp hàng cho mình theo những điều kiện (số lượng, phẩm chất, thời hạn giao hàng v.v.) do mình tự đặt ra. Một khi người bán chấp nhận hoàn toàn đơn đặt hàng trong thời hạn qui định thì hợp đồng coi như đã được thành lập giữa bên mua và bên bán.
4. Hoàn giá (counter-offer)
Hoàn giá hay còn gọi là mặc cả giá. Hành động hoàn giá có thể biến một thư chào hàng cố định thành một thư chào hàng tự do.
Về mặt pháp lí hoàn giá chào là việc người được chào giá khước từ đề nghị của người chào giá, tự mình trở thành người chào giá và đưa ra đề nghị mới làm cơ sở kí kết hợp đồng.
5. Chấp nhận (Acceptance)
Là việc người được chào giá đồng ý hoàn toàn với giá được chào (giá trong order). Hiệu quả pháp lí của việc chấp nhận là dẫn tới việc kí kết hợp đồng mua bán.
6. Xác nhận (confirmation)
Là việc khảng định lại sự thoả thuận mua bán để tăng thêm tính chắc chắn của nó và để phân biệt những điều khoản cuối cùng với những điều kiện đàm phán ban đầu. Giấy xác nhận có thể do một bên đưa ra.
(Bài giảng Kĩ thuật nghiệp vụ ngoại thương, Ths Đỗ Đức Phú, Đại Học Hàng Hải, 2008)