Hoạt động tài chính (Financial activities) là gì? Nguyên tắc thực hiện
Mục Lục
Hoạt động tài chính
Khái niệm
Hoạt động tài chính trong tiếng Anh được gọi là financial activities.
Hoạt động tài chính là dùng tiền để giải quyết các mối quan hệ kinh tế trong đầu tư, trong kinh doanh, trong phân phối và thanh toán nhằm đạt tới lợi ích kinh tế xác định.
Ở đây, các mối quan hệ tài chính là nội dung bên trong của hoạt động tài chính và tiền chỉ là hình thức biểu hiện, là phương tiện để giải quyết các mối quan hệ kinh tế đó.
Nguyên tắc thực hiện
Để thực hiện tốt vấn đề này theo mục tiêu đã xác định, hoạt động tài chính phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản sau
- Hoạt động tài chính phải có kế hoạch, mục tiêu, phương hướng cụ thể
Trong quan hệ kinh tế có liên quan tới nhiều khách thể khác nhau và từng giai đoạn cụ thể của hoạt động này đều có những hiệu quả khác nhau về kinh tế – xã hội, do đó, trong hoạt động tài chính phải có định hướng cho từng thời kì cụ thể, ở từng công việc cụ thể, đồng thời cần xác định và lựa chọn phương án tốt nhất.
- Hoạt động tài chính phải đảm bảo đạt một lợi ích và tiết kiệm
Lợi ích là mục tiêu của hoạt động tài chính do đó trong các quan hệ kinh tế phải là các kết quả cụ thể đem lại như lợi nhuận trong kinh doanh hay kết quả thực hiện mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, việc tiết kiệm cần thực hiện để thu được lợi ích nhiều hơn.
- Hoạt động tài chính phải đảm bảo tuân thủ pháp luật và thể lệ tài chính
Giải quyết các mối quan hệ kinh tế có liên quan đến nhiều khách thể đã được xác định trong pháp luật và được cụ thể hóa trong các chế độ tài chính cụ thể. Để giải quyết tốt mối quan hệ này nhất thiết hoạt động tài chính phải tuân thủ các chuẩn mực đã được xác định trong hệ thống pháp lí tại từng thời điểm cụ thể.
Đặc điểm của hoạt động tài chính
Thực trạng của hoạt động tài chính được phản ánh ở 2 phần rõ rệt:
- Một phần được phản ánh trong tài liệu kế toán như: chứng từ gốc, sổ cái, sổ quĩ, sổ chi tiết, bảng tổng hợp...
- Một phần khác chưa được phản ánh trong tài liệu kế toán.
Do đó trong hệ thống phương pháp kiểm toán hình thành 2 phân hệ phương pháp kiểm toán để thích ứng với đối tượng của mình.
Đó là phương pháp kiểm toán chứng từ (kiểm toán cân đối, đối chiếu trực tiếp, đối chiếu logic) nhằm kiểm toán phần thực trạng đã được phản ánh trên tài liệu kế toán.
Còn phần chưa được thể hiện trên các tài liệu kế toán thì kiểm toán phải tạo lập các bằng chứng kiểm toán bằng phương pháp kiểm toán ngoài chứng từ (kiểm kê, thực nghiệm và điều tra).
(Tài liệu tham khảo: Đối tượng và phương pháp kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)