Hiệu ứng đường J (J-curve effect) là gì? Nguyên nhân dẫn tới hiệu ứng đường J
Mục Lục
Hiệu ứng đường J
Hiệu ứng đường J trong tiếng Anh là J-curve effect.
Hiệu ứng đường J thể hiện rằng xu hướng ban đầu của cán cân thanh toán bị thâm hụt nhiều hơn, sau đó mới chuyển sang thặng dư khi một bước phá giá đồng tiền của mình.
Nguyên nhân dẫn tới hiệu ứng đường J
Nguyên nhân dẫn tới tình hình này là quá trình điều chỉnh hoàn toàn của lượng hàng trao đổi có độ trễ thời gian. Vì giá xuất khẩu giảm và giá nhập khẩu tăng ngay sau khi phá giá, cho nên kim ngạch xuất khẩu giảm và kim ngạch nhập khẩu tăng, làm cho cán cân thanh toán bị thâm hụt nhiều hơn (phần đi xuống của đường J).
Theo thời gian, giá xuất khẩu thấp hơn làm tăng nhu cầu của người nước ngoài về hàng hóa sản xuất trong nước và làm kim ngạch xuất khẩu tăng. Đồng thời giá hàng nhập khẩu cao hơn làm giảm nhu cầu trong nước về hàng nhập khẩu. Tác động tổng hợp của hai yếu tố này dẫn tới sự cải thiện cán cân thanh toán (phần đi lên của đường J).
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Đường J
Đường J rất hữu ích để chứng minh các tác động của một sự kiện hoặc hành động trong một khoảng thời gian đã định. Nói một cách thẳng thắn, đường J cho thấy mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn.
Trong kinh tế, đường J thường được sử dụng để quan sát ảnh hưởng của đồng tiền yếu hơn đối với cán cân thương mại. Mô hình như sau:
- Ngay sau khi đồng tiền của một quốc gia bị mất giá, hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và hàng xuất khẩu rẻ hơn khiến cho thâm hụt thương mại ngày càng tồi tệ (hoặc ít nhất là thặng dư thương mại nhỏ hơn).
- Ngay sau đó, khối lượng bán hàng xuất khẩu của quốc gia bắt đầu tăng đều đặn, nhờ giá tương đối rẻ.
- Đồng thời, người tiêu dùng tại quốc gia đó bắt đầu mua nhiều hàng hóa sản xuất nội địa hơn vì chúng có giá cả tương đối phải chăng so với hàng nhập khẩu.
- Theo thời gian, cán cân thương mại giữa nước đó với quốc gia đối tác được hồi phục lại, thậm chí còn vượt quá thời gian mất giá trước.
Sự mất giá của đồng tiền quốc gia đã có tác động tiêu cực ngay lập tức vì độ trễ không thể tránh khỏi trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn các sản phẩm của đất nước.
Khi đồng tiền của một quốc gia tăng giá, đường J ngược có thể xảy ra. Hàng hóa xuất khẩu của nước đó đột ngột trở nên đắt đỏ hơn so với các hàng hóa nhập khẩu. Nếu các quốc gia khác có thể đáp ứng nhu cầu về giá thấp hơn, đồng tiền mạnh hơn sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Người tiêu dùng địa phương cũng có thể chuyển sang sử dụng hàng hóa nhập khẩu, bởi vì chúng đã trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa nội địa.
(Tài liệu tham khảo: investopedia.com)