1. Kinh tế học

Hiệu ứng Bullwhip (Bullwhip Effect) là gì? Nguyên nhân

Mục Lục

Hiệu ứng Bullwhip

Hiệu ứng Bullwhip trong tiếng Anh gọi là: Bullwhip Effect.

Hiệu ứng Bullwhip được phát hiện lần đầu bởi tiến sĩ Forrester (1961), theo đó lượng sản phẩm được sản xuất bởi các công ty luôn cao gấp nhiều lần lượng nhu cầu thực tế của thị trường.

Qua các thống kê, tiến sĩ Forrester (1961) phát hiện ra rằng, lượng hàng hóa được sản xuất ra thường cao hơn so với nhu cầu thực tế, mức sai lệch cực đại có thể dao động lên tới 3-5 lần.

Hiện tượng này được Forrester đặt tên là hiệu ứng Bullwhip, còn gọi là hiệu ứng cái roi da hay hiệu ứng đuôi bò. Cách gọi này phỏng theo hình ảnh thực tế của chiếc roi da, chỉ một lượng dao động nhỏ ở gốc cây roi, sẽ gây ra lượng dao động lớn ở cuối chiếc roi.

Nguyên nhân

Forrester (1961) đã lí giải hiệu ứng Bullwhip bởi bốn nguyên nhân sau:

- Thứ nhất, sai lệch thông tin dẫn đến sai lệch dự báo nhu cầu.

- Thứ hai, chiến lược tăng qui mô đơn hàng nhằm tối ưu chi phí.

- Thứ ba, biến động về giá cả.

- Thứ tư, trò chơi tạo ra sự hạn chế và thiếu hụt.

Bốn nguyên nhân theo như Forrester đưa ra, đều xuất phát từ hành vi của các tác nhân bên trong môi trường kinh doanh và các hành vi này gây ra hai tác động trực tiếp lên dao động lượng hàng sản xuất, đó là dự báo sai nhu cầu đặt hàng và chiến lược tồn kho dự trữ.

Sau khi phát hiện ra hiệu ứng Bullwhip, Forrester đã bước đầu xây dựng nên mô hình nhằm lượng hóa và phân tích định lượng cho hiệu ứng này. Mô hình System Dynamics (Hệ thống linh động) do Forrester đưa ra đã được ứng dụng rộng rãi trong phân tích hoạch định chiến lược kinh doanh.

Lee (1997) đã phát triển toàn diện hơn mô hình của Forrester trước đó và công bố trong bài báo “The Bullwhip Effect in Supply Chain” trên tạp chí MIT Sloan Management Review năm 1997.

Những mô hình Ray Forrester và các học giả sau ông xây dựng (Aviv, 2007, Carlsson và Fuller, 1999) đều lí giải nguyên nhân gây ra hiệu ứng Bullwhip là các tác nhân trong môi trường kinh doanh. Các tác nhân đó bao gồm:

Tâm lí khách hàng, nhiễu thông tin cố ý từ các đối thủ cạnh tranh, tác động từ thay đổi công nghệ, tác động từ sản phẩm mới... Những tác nhân này hầu hết đều biến thiên theo thời gian, vì vậy tác động của nó lên lượng dao động đặt hàng cũng biến thiên theo thời gian.

Cách nhìn nhận của Forrester là hoàn toàn hợp lí, đặc biệt là với các chuỗi cung ứng sản xuất ra các mặt hàng tiêu dùng, với giá trị sản xuất thấp nhưng được khách hàng tiêu dùng thường xuyên, các sản phẩm loại này thường được tạo ra bởi các chuỗi cung ứng dạng đẩy (Push Supply Chain).

Dạng chuỗi này hoạt động theo nguyên tắc dự báo nhu cầu và chủ động sản xuất trước trong thời gian dài, sản xuất ngay cả khi chưa có đơn đặt hàng và sau đó tìm cách tiêu thụ sản phẩm đã sản xuất ra. Các kế hoạch sản xuất chủ yếu dựa vào phán đoán khả năng tiêu thụ sản phẩm trong tương lai, không phải do được yêu cầu từ khách hàng.

(Tài liệu tham khảo: Hiệu ứng Bullwhip và ảnh hưởng từ cấu trúc của chuỗi cung ứng, Lê Thọ, Dương Mạnh Cường, Tạp chí Công thương, 2017)

Thuật ngữ khác