Hiệu quả sản xuất (Production Efficiency) là gì? Đo lường Hiệu quả sản suất
Mục Lục
Hiệu quả sản xuất
Khái niệm
Hiệu quả sản xuất trong tiếng Anh là Production Efficiency.
Hiệu quả sản xuất là một thuật ngữ kinh tế thể hiện trạng thái một nền kinh tế hay một chủ thể kinh tế không thể sản xuất thêm một đơn vị sản phẩm mà không làm giảm mức sản xuất của một sản phẩm khác.
Hiện tượng này xảy ra khi sản xuất chạy dọc theo đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF).
Hiệu quả sản xuất cũng có thể được gọi là hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, có nghĩa là một chủ thể kinh tế đang hoạt động ở công suất tối đa.
Đặc điểm Hiệu quả sản xuất
Trong kinh tế học, khái niệm hiệu quả sản xuất xoay quanh đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF).
Các nhà kinh tế và các nhà phân tích hoạt động thường xem xét thêm một số yếu tố tài chính khác như năng lực sản xuất và hiệu quả lợi nhuận - chi phí ngoài đường PPF khi nghiên cứu hiệu quả hoạt động kinh tế.
Nói chung, hiệu quả sản xuất kinh tế đề cập đến một mức công suất tối đa trong đó tất cả các nguồn lực đang được sử dụng để tạo ra sản phẩm và có chi phí hiệu quả nhất có thể.
Khi đạt hiệu quả sản xuất tối đa, chủ thể kinh tế không thể sản xuất bất kì đơn vị sản phẩm bổ sung nào mà không làm giảm việc sản xuất của một sản phẩm khác.
Phân tích hiệu quả sản xuất cũng đem đến một cái nhìn cận cảnh về chi phí. Hiệu quả sản xuất kinh tế cho thấy các sản phẩm đang được tạo ra với tổng chi phí trung bình thấp nhất.
Từ quan điểm này, hiệu quả sản xuất kinh tế cũng cho thấy các hiệu quả kinh tế về qui mô và hiệu quả lợi nhuận - chi phí.
Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất tối đa rất khó đạt được. Do đó, các nền kinh tế và các chủ thể kinh tế đơn lẻ cố gắng đạt được mức cân bằng giữa việc sử dụng tài nguyên, tỉ lệ sản xuất và chất lượng sản phẩm được sản xuất trong khi không nhất thiết phải sản xuất hết công suất.
Các nhà quản lí vận hành luôn phải ghi nhớ rằng khi đã đạt được hiệu quả sản xuất tối đa, doanh nghiệp không thể sản xuất nhiều hàng hóa hơn mà không gây ra các thay đổi lớn trong danh mục sản xuất của doanh nghiệp đó.
Đường giới hạn khả năng sản xuất
Đường giới hạn khả năng sản xuất là khái niệm trung tâm của hiệu quả sản xuất.
Về mặt lí thuyết, các biến được biểu diễn trên biểu đồ trên trục x và trục y hiển thị mức sản xuất tối đa có thể đạt được thông qua việc sản xuất đồng thời.
Do đó, hiệu quả sản xuất kinh tế tối đa bao gồm tất cả các điểm sản xuất dọc theo đường cong giới hạn khả năng sản xuất (PPF).
Đường cong PPF cho thấy mức sản xuất tối đa cho mỗi sản phẩm hay hàng hóa.
Nếu một nền kinh tế hoặc một chủ thể kinh tế không thể tạo ra thêm hàng hóa mà không làm giảm việc sản xuất hàng hóa khác, thì nền kinh tế hoặc một chủ thể kinh tế đã đạt được mức sản xuất tối đa.
Đo lường Hiệu quả sản suất
Ngoài dựa trên đường PPF, hiệu quả sản xuất cũng có thể xác định bằng các hình thức khác.
Các nhà phân tích có thể đo lường hiệu quả sản xuất bằng cách chia tỉ lệ đầu ra thực tế của doanh nghiệp với tỉ lệ đầu ra tiêu chuẩn sau đó nhân với 100.
Công thức này có thể được sử dụng để phân tích hiệu quả của nhân viên, nhóm nhân viên hoặc các bộ phận của một chủ thể kinh tế hay một nền kinh tế nói chung. Công thức được diễn dịch ra như sau:
Hiệu quả sản suất (OE) = Tỉ lệ đầu ra : Tỉ lệ đầu ra tiêu chuẩn × 100
Tỉ lệ đầu ra tiêu chuẩn là tỉ lệ hiệu suất tối đa hoặc khối lượng công việc tối đa đã được tạo ra trên một đơn vị thời gian sử dụng phương pháp tiêu chuẩn.
Khi đạt được hiệu quả sản xuất tối đa, hiệu quả sản xuất sẽ ở mức 100%. Nếu một nền kinh tế đang sản xuất có hiệu quả, thì nó có hiệu quả sản xuất là 100%.
Năng suất và Hiệu quả
Năng suất đóng vai trò là phép đo đầu ra, thường được biểu thị bằng số đơn vị sản phẩm trên mỗi một đơn vị thời gian (ví dụ: 100 đơn vị sản phẩm mỗi giờ).
Hiệu quả sản xuất thường liên quan đến chi phí sản xuất mỗi đơn vị sản phẩm hơn là chi phí cho lượng đơn vị đã sản xuất.
Năng suất so với hiệu quả cũng có thể được áp dụng trong phân tích tính kinh tế theo qui mô. Các chủ thể tìm cách tối ưu hóa mức sản xuất để đạt được hiệu quả kinh tế theo qui mô, đạt được trạng thái này làm giảm chi phí trên mỗi đơn vị sản phẩm và tăng lợi nhuận trên mỗi đơn vị sản phẩm.
Hiệu quả sản xuất và nền Công nghiệp dịch vụ
Các khái niệm về hiệu quả sản xuất thường áp dụng cho lĩnh vực sản xuất, tuy nhiên nó cũng có thể được sử dụng cho các ngành dịch vụ.
Để cung cấp một dịch vụ cần sử dụng các nguồn lực cần thiết chẳng hạn như sử dụng vốn nhân lực và vốn thời gian.
Trong những trường hợp này, hiệu quả sản xuất có thể được đo lường bằng khả năng hoàn thành một công việc, một dịch vụ nhất định hay mục tiêu cụ thể trong khoảng thời gian ngắn nhất mà vẫn tối ưu hóa chất lượng đầu ra.
(Theo Investopedia)