Hiệp hội Thương mại tự do Châu Âu (EFTA) là tổ chức nào? Mối quan hệ giữa Việt Nam và EFTA
Mục Lục
Hiệp hội Thương mại tự do Châu Âu (EFTA)
Hiệp hội Thương mại tự do Châu Âu trong tiếng Anh là European Free Trade Association; viết tắt là EFTA.
Hiệp hội Thương mại tự do Châu Âu (EFTA) được thành lập ngày 3/5/1960, hoạt động như một khối mậu dịch khác đối với các nước châu Âu không đủ khả năng hoặc lựa chọn không gia nhập vào Liên minh châu Âu (EU).
Hiệp ước EFTA được kí vào ngày 4/1/1960 tại Stockholm bởi 7 nước bên ngoài EU. Ngày nay chỉ còn Iceland, Na Uy, Thụy Sỹ và Liechtenstein vẫn còn là hội viên của EFTA (trong đó Na Uy và Thụy Sỹ là các hội viên sáng lập). Sau đó Hiệp ước Stockholm được thay thế bằng Hiệp ước Vaduz.
Hiệp ước này cho phép tự do hóa việc buôn bán trong các nước hội viên. Ba nước hội viên EFTA là thành phần của Thị trường chung Liên minh châu Âu thông qua Thỏa ước về Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), có hiệu lực từ năm 1994. Nước hội viên thứ tư của EFTA là Thụy Sỹ cũng chọn kí kết một thỏa ước song phương với Liên minh châu Âu. Ngoài ra, các nước EFTA cũng kí chung các thỏa hiệp mậu dịch tự do với nhiều nước khác.
Năm 1999 Thụy Sỹ kí một bộ thỏa hiệp song phương với Liên minh châu Âu bao trùm nhiều lãnh vực, trong đó có sự phá bỏ các hàng rào cản trở buôn bán như việc di chuyển nhân công cùng vận tải hàng hóa và kĩ thuật giữa đôi bên. Sự tiến triển này thúc đẩy các nước EFTA hiện đại hóa Hiệp ước của mình để bảo đảm là sẽ tiếp tục tạo ra một khuôn khổ đầy thành công cho việc mở rộng và tự do hóa việc buôn bán trong các nước hội viên và với thế giới.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và EFTA
Ý tưởng hình thành Khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam - Thuỵ Sỹ và sau này được mở rộng thành FTA Việt Nam - EFTA được lãnh đạo cấp cao của hai bên trao đổi từ năm 2009. Tháng 5/2010, hai bên chính thức thành lập "Nhóm nghiên cứu hỗn hợp" nhằm xây dựng báo cáo tổng hợp về quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư phục vụ việc đánh giá cơ hội và thách thức từ việc đàm phán và hình thành FTA Việt Nam - EFTA.
Ngày 21/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành các công việc chuẩn bị và thủ tục đối ngoại cần thiết để khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA vào quí I/2012. Cho tới nay, đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam - EFTA đã trải qua 16 phiên đàm phán, nhưng do cách tiếp cận ban đầu của hai bên có nhiều khác biệt, do đó, hai bên không thể đạt được kết quả như mong muốn là kết thúc đàm phán trong năm 2014 .
Về diện mặt hàng, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các nước thành viên EFTA hàng thuỷ sản, cà phê, hạt điều, sản phẩm từ chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giầy dép, sản phẩm từ sắt thép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng,... và nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm cơ khí, thiết bị viễn thông, phương tiện giao thông, hoá chất, phân bón, chất dẻo.
Việt Nam có kim ngạch thương mại đáng kể với Thụy Sỹ (kim ngạch 2 chiều năm 2012 đạt khoảng 1 tỉ USD - chiếm 0,23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, đến năm 2017 con số này giảm chỉ đạt 841 triệu USD), trong khi ở mức thấp với Nauy (kim ngạch hai chiều đạt 257 triệu USD năm 2012, đến năm 2017 con số này là 355 triệu USD) và rất nhỏ với Iceland và Liechtenstein (kim ngạch hai chiều với Iceland chỉ khoảng 2,5 triệu USD năm 2012, năm 2017 là 7,5 triệu USD; kim ngạch 2 chiều năm 2017 với Liechtenstein đạt 30,5 triệu USD).
(Tài liệu tham khảo: wikipedia.com, mof.gov.vn)