Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và hợp tác ASEAN trong lĩnh vực kinh tế
Mục Lục
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong tiếng Anh là Association of Southeast Asian Nations; thường gọi tắt là ASEAN.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967 tại Bangkok (Thái Lan) bởi Bộ trưởng Ngoại giao các nước sáng lập là lndonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan và Singapore.
Trải qua hơn 40 năm tồn tại, cho tới nay ASEAN đã mở rộng bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó Brunei gia nhập năm 1984, Việt Nam năm 1995, Lào và Myanmar năm 1997 và Campuchia năm 1999. Hiện ASEAN có trụ sở ban thư kí đặt tại Jakarta, Indonesia.
Chức Tổng thư kí được luân phiên nắm giữ giữa các quốc gia thành viên theo thứ tự tên chữ cái tiếng Anh. Kể từ cuối năm 2008 khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực, mỗi năm ASEAN tổ chức hai cuộc họp thượng đỉnh cấp nguyên thủ quốc gia để bàn thảo các vấn đề quan trọng đối với khu vực. Ngoài ra hàng năm ASEAN còn tổ chức hàng trăm cuộc họp ở các cấp khác nhau nhằm tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực khác nhau giữa các quốc gia thành viên.
Cho tới nay, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng sau hơn bốn thập kỉ hình thành và phát triển. Thành tựu đáng chú ý nhất là Hiệp hội đã hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á, giúp chấm dứt sự chia rẽ và đối đầu giữa các nước Đông Nam Á
Tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác toàn diện và ngày càng chặt chẽ dựa trên những nguyên tắc của "Phương thức ASEAN," trong đó chú trọng đối thoại, đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. ASEAN-10 cũng giúp biến Hiệp hội trở thành một tổ chức hợp tác khu vực thực sự, là nhân tố quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương.
Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực kinh tế
Về kinh tế, đến nay ASEAN đã cơ bản hoàn tất các cam kết về hình thành Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (gọi tắt là AFTA), với hầu hết các dòng thuế đã được giảm xuống mức 0-5%. Kim ngạch thương mại nội khối hiện đạt khoảng 300 tỉ USD và chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN.
Ngoài ra hiện ASEAN cũng thúc đẩy hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực khác như đầu tư (thông qua thỏa thuận về Khu vực đầu tư ASEAN -AIA), công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, giao thông vận tải, hải quan, thông tin viễn thông...
ASEAN cũng coi trọng đẩy mạnh thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, nhất là thông qua việc triển khai Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về hỗ trợ các nước thành viên mới (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).
Mặt khác, ASEAN cũng đã tích cực tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại với các đối tác bên ngoài thông qua việc đàm phán thiết lập các khu vực mậu dịch tự do (FTA) với hầu hết các nước đối thoại của ASEAN, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Tháng 11/2007, Hiến chương ASEAN cũng đã được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12/2008 sau khi đã được tất cả 10 quốc gia thành viên phê chuẩn. Bản Hiến chương này giúp tạo cơ sở pháp lí và khuôn khổ thể chế cho ASEAN tăng cường liên kết khu vực, trước hết là phục vụ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Ngoài ra bản Hiến chương phản ánh sự trưởng thành của ASEAN, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn và vững mạnh hơn, hỗ trợ cho mục tiêu hòa bình và phát triển của cả khu vực cũng như từng nước thành viên.
(Tài liệu tham khảo: Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, TPHCM: Khoa Quan hệ quốc tế – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, 2013)