Hiệp định về qui tắc xuất xứ (Rule of Origin - ROO) là gì?
Mục Lục
Hiệp định về qui tắc xuất xứ (Rule of Origin - ROO)
Hiệp định về qui tắc xuất xứ - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Rule of Origin, viết tắt là ROO.
Hiệp định về qui tắc xuất xứ hay còn gọi là hiệp định ROO, là thỏa thuận của các nước thành viên WTO về các qui định tiêu chí xuất xứ của hàng hóa, nhằm mục đích hưởng những ưu đãi từ những cam kết cắt giảm thuế mang lại trong WTO.
Qui tắc xuất xứ là tiêu chí vô cùng cần thiết đối với các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế. (Theo World Trade Organization - WTO)
Xuất xứ hàng hóa theo hiệp định ROO
Có bốn loại qui tắc xuất xứ cho hàng hóa:
- Qui tắc xuất xứ hàng hóa thuần túy;
- Qui tắc xuất xứ xác định theo hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa;
- Qui tắc xuất xứ hàng hóa xác định theo chuyển đổi mã số thuế của hàng hóa;
- Qui tắc xuất xứ cho từng mặt hàng cụ thể theo qui trình sản xuất.
Hàng hóa có xuất xứ thuần túy là hàng hóa hoàn toàn được nuôi trồng, thu hoạch hoặc hoàn toàn được sản xuất trong một quốc gia (không có nguyên liệu nhập khẩu). Loại hàng hóa này thuộc về qui tắc xuất xứ hàng hóa thuần túy.
Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy là hàng hóa được tạo ra bằng việc kết hợp nguyên liệu hoặc trải qua quá trình sản xuất của ít nhất hai quốc gia (có nguyên liệu nhập khẩu) và sẽ có xuất xứ của quốc gia mà tại đó hàng hóa đã trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản cuối cùng.
Loại hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được liệt vào 3 qui tắc xuất xứ phía sau.
Phương pháp xác định xuất xứ hàng hóa theo hiệp định ROO
Sự chuyển đổi xuất xứ cơ bản được xác định bằng ba phương pháp chính sau:
Chuyển đổi mã số thuế hàng hóa (Code Transfer of Commodity - CTC)
Theo phương pháp CTC, sản phẩm có xuất xứ khác nhau căn cứ vào nơi sản phẩm này có sự chuyển đổi về mã số thuế HS (mã số thuế hài hòa trong biểu thuế quan hiện hành, HS- 8 chữ số).
Giá trị gia tăng của hàng hóa (Value Added - VA)
Phương pháp giá trị gia tăng có thể được xác định bằng hai cách:
- Hàm lượng giá trị khu vực hoặc trong nước (RVC) là tỉ lệ phần trăm giá trị tối thiểu phải có được thêm vào ở nước xuất khẩu;
- Hàm lượng nhập khẩu được tính bằng sự chênh lệch giữa giá trị của hàng hóa cuối cùng (thể hiện bảng giá FOB hoặc giá xuất xưởng) và các chi phí đầu vào được nhập khẩu.
Qui trình sản xuất của sản phẩm (SP)
Theo phương pháp này, sản phẩm phải trải qua một số qui trình hoặc yêu cầu về mặt kĩ thuật trong quá trình sản xuất ở nước xuất khẩu.
Phương pháp này cũng có thể yêu cầu hoặc cấm sử dụng một số nguyên liệu đầu vào nhất định hoặc một số công đoạn gia công nhất định trong quá trình sản xuất sản phẩm. (Theo Giáo trình Tổ chức thương mại Thế giới, NXB Chính trị Quốc gia)