Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (New-generation free trade agreements) là gì?
Mục Lục
Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong tiếng Anh gọi là: New-generation free trade agreements - FTAs.
Thuật ngữ “Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” được sử dụng để chỉ các FTA với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các “FTA truyền thống”; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình);
Có cơ chế thực thi chặt chẽ và hơn thế, nó bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…
Việt Nam và hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Việt Nam hiện nay đã tham gia một số FTA thế hệ mới, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA, cụ thể:
- Hiệp định CPTPP: Các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 65-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 5-10 năm.
Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ số dòng thuế ở mức cao, theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 khi Hiệp định có hiệu lực.
Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.
- Hiệp định EVFTA: Các nội dung chính của Hiệp định, bao gồm:
Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, qui tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kĩ thuật trong thương mại, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững; các vấn đề pháp lí, hợp tác và xây dựng năng lực.
Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế trong khoảng thời gian 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, sau 3 năm là 58,7% số dòng thuế, sau 5 năm là 79,6% số dòng thuế, sau 7 năm là 91,8% số dòng thuế và sau 10 năm là 98,3% số dòng thuế.
Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu hàng hóa sang EU với lộ trình lên đến 15 năm.
(Tài liệu tham khảo: Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tác động đối với kinh tế Việt Nam, TS. Lê Quang Thuận, Tạp chí Tài chính, 2019)