Hệ thống xếp hạng CAMELS (CAMELS Rating System) là gì? Đặc điểm
Mục Lục
Hệ thống xếp hạng CAMELS
Hệ thống xếp hạng CAMELS trong tiếng Anh là CAMELS Rating System.
Hệ thống xếp hạng CAMELS là một hệ thống xếp hạng quốc tế được công nhận mà các cơ quan giám sát ngân hàng sử dụng để xếp hạng các định chế tài chính dựa trên 6 yếu tố thể hiện bằng từ viết tắt của nó. Các cơ quan giám sát tính điểm cho mỗi ngân hàng theo tham điểm. Xếp hạng 1 là cao nhất, và xếp hạng 5 là thấp nhất cho mỗi yếu tố.
Các yếu tố của Hệ thống xếp hạng CAMELS
Các ngân hàng được chấm điểm trung bình thấp hơn 2 là các định chế chất lượng cao. Các ngân hàng có điểm cao hơn 3 là các định chế trung bình. Các chữ cái trong CAMELS là chữ cái viết tắt của những yếu tố sau mà người đánh giá sử dụng để xếp hạng các tổ chức ngân hàng:
Capital Adequacy (An toàn vốn): Người đánh giá sẽ đánh giá mức độ an toàn vốn của một định chế thông qua phân tích xu hướng vốn. Người đánh giá đồng thời kiểm tra xem định chế đó có tuân thủ những qui định liên quan đến rủi ro hay không. Để có được xếp hạng an toàn vốn cao, định chế đó phải tuân thủ các qui tắc và thông lệ về lãi và cổ tức. Các yếu tố khác khi xếp hạng và đánh giá mức độ an toàn vốn của một định chế là kế hoạch tăng trưởng, môi trường kinh tế, khả năng quản lí rủi ro, và tỉ trọng tập trung cho vay và đầu tư.
Asset Quality (Chất lượng tài sản): Chất lượng tài sản bao gồm chất lượng các khoản vay, phản ánh thu nhập của định chế. Đánh giá chất lượng tài sản bao gồm xếp hạng các yếu tố rủi ro đầu tư mà công ti có thể gặp phải và cân bằng được những yếu tố đó đối với thu nhập của công ti. Nó cũng cho thấy sự ổn định của công ti khi đối mặt với nhưng rủi ro cụ thể.
Người đánh giá cũng đồng thời kiểm tra xem các công ti bị ảnh hưởng như thế nào bởi giá trị thị trường của các khoản đầu tư khi so sánh với giá trị sổ sách đầu tư của công ti. Cuối cùng, chất lượng tài sản được phản ánh bởi hiệu quả của chính sách và thực tiễn đầu tư của định chế đó.
Management (Quản lí): Đánh giá quản lí quyết định liệu một định chế có khả năng phản ứng hợp lí đối với các căng thẳng tài chính hay không. Thành phần xếp hạng này được phản ánh bởi khả năng của chính sách quản lí trong việc phát hiện, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro của các hoạt động thường ngày của định chế tài chính.
Nó bao gồm khả năng của chính sách quản lí trong việc đảm bảo các hoạt động của định chế tài chính là an toàn và tuân thủ với những qui định nội bộ và bên ngoài.
Earnings (Thu nhập): Khả năng tạo ra lợi nhuận của một định chế tài chính để có thể mở rộng, duy trì khả năng cạnh tranh và tăng vốn là một yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng tồn tại lâu dài của định chế này. Người đánh giá xác định điều này thông qua việc đánh giá mức độ tăng trưởng, sự ổn định, định giá, biên độ lãi ròng, mức giá trị ròng và chất lượng tài sản hiện tại của công ti.
Liquidity (Thanh khoản): Để đánh giá tính thanh khoản của công ti, người đánh giá sẽ xem xét độ nhạy cảm của rủi ro lãi suất, tính sẵn có của tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt, tính phụ thuộc vào các nguồn tài chính biến động ngắn hạn và năng lực ALM (Quản lí tài sản nợ & có).
Sensitivity (Độ nhạy cảm): Độ nhạy cảm bao gồm mức độ rủi ro cụ thể có thể ảnh hưởng tới định chế tài chính. Người đánh giá sẽ đánh giá mức độ nhạy cảm của một định chế đối với rủi ro thị trường bằng cách giám sát việc quản lí mức độ tập trung tín dụng. Bằng cách đó, người đánh giá có thể nhìn thấy được việc cho vay tập trung đối với một ngành cụ thể có thể ảnh hưởng tới một định chế như thế nào.
Những khoản vay này bao gồm cho vay nông nghiệp, cho vay y tế, cho vay thẻ tín dụng và cho vay ngành năng lượng. Tỉ trọng cho vay đối với giao dịch ngoại hối, hàng hoá, vốn, và các sản phẩm phái sinh cũng được đưa vào đánh giá mức độ nhạy cảm của một công ti đối với rủi ro thị trường.
(Theo Investopedia)