Hệ thống Tiêu chuẩn Trách nhiệm Xã hội SA 8000 (SA 8000 Standard) là gì?
Mục Lục
Hệ thống Tiêu chuẩn Trách nhiệm Xã hội SA 8000
Hệ thống Tiêu chuẩn Trách nhiệm Xã hội SA 8000 trong tiếng Anh được gọi là SA 8000 Standard.
Hệ thống Tiêu chuẩn Trách nhiệm Xã hội SA 8000 là tiêu chuẩn đưa ra các yêu cầu về quản trị trách nhiệm xã hội do Hội đồng Công nhận Quyền ưu tiên Kinh tế ban hành năm 1997.
Hội đồng Công nhận Quyền ưu tiên Kinh tế là một tổ chức phi chính phủ, chuyên hoạt động về các lĩnh vực hợp tác trách nhiệm xã hội, được thành lập năm 1969, có trụ sở đặt tại New York, Mỹ.
SA 8000 là một tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng nhằm mục đích cải thiện điều kiện làm việc trên toàn cầu, tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, Công ước của Liên Hiệp quốc về Quyền trẻ em và Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền.
Phạm vi áp dụng của SA 8000 rất rộng, bao gồm các tổ chức với mọi loại hình, trong mọi lĩnh vực. SA 8000 cho phép các doanh nghiệp có thể làm được những gì tốt đẹp nhất nhằm đạt được mục tiêu đặt ra và đảm bảo lợi nhuận liên tục.
Tiêu chuẩn
SA 8000 có 9 tiêu chuẩn bao gồm:
- Lao động trẻ em (Child Labor);
- Lao động cưỡng bức (Forced or Compulsory Labor);
- Sức khỏe và sự an toàn (Health and Safety);
- Trả công (Remuneration);
- Thời gian lao động (Working Hours);
- Phân biệt đối xử (Discrimination);
- Kỉ luật (Disciplinary Practices);
- Tự do hiệp hội và thương lượng tập thể (Freedom of Association & Right to Collective Bargaining);
- Hệ thống quản lí (Management System).
Việc áp dụng SA 8000 mang lại nhiều lợi ích cho một doanh nghiệp mà cụ thể là tăng sức cạnh tranh, thu hút khách hàng nhiều hơn, giảm chi phí quản lí các yêu cầu xã hội khác, tạo cho công ty một chỗ đứng tốt trong thị trường lao động, tăng lòng trung thành và cam kết của người lao động đối với công ty.
Chính vì những lợi ích này mà Bộ tiêu chuẩn SA 8000 ngày càng được áp dụng phổ biến trên thế giới.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị chất lượng dịch vụ, Trung tâm Đào tạo từ xa, Đại học Kinh tế Quốc dân)