1. Kinh tế công cộng

Hệ thống đặt cọc - hoàn trả (Deposit - refund system - DRS) là gì? Mục đích và phạm vi sử dụng

Mục Lục

Hệ thống đặt cọc - hoàn trả

Hệ thống đặt cọc - hoàn trả trong tiếng Anh gọi là: Deposit - refund system - DRS.

Đặt cọc - hoàn trả là một trong những công cụ kinh tế trong hoạt động bảo vệ môi trường bằng cách qui định các đối tượng tiêu dùng các sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường phải trả thêm một khoản tiền (đặt cọc) khi mua hàng. 

Nhằm bảo đảm cam kết sau khi tiêu dùng sẽ đem sản phẩm đó (hoặc phần còn lại của sản phẩm đó) trả lại cho các đơn vị thu gom phế thải hoặc tới những địa điểm đã qui định để tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy theo cách an toàn đối với môi trường. 

Nếu thực hiện đúng, người tiêu dùng sẽ được nhận lại khoản đặt cọc do các tổ chức thu gom hoàn trả lại. 

Mục đích

- Mục đích của hệ thống đặt cọc - hoàn trả là thu gom những thứ mà người tiêu thụ đã dùng vào một trung tâm để tái chế hoặc tái sử dụng một cách an toàn đối với môi trường. 

- Đặt cọc - hoàn trả được coi là một trong những "ứng cử viên" sáng giá cho các chính sách nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi chu trình sản xuất tuyến tính (khai khoáng → nguyên liệu thô → sản phẩm → phế thải).

Và hướng tới chu trình tuần hoàn trong đó các tài nguyên được tái chế, tái sử dụng tới mức tối đa có thể được. 

Phạm vi sử dụng

Phạm vi sử dụng các hệ thống đặt cọc - hoàn trả bao gồm: 

• Các sản phẩm mà khi sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng có thể xử lí tái chế hoặc tái sử dụng 

• Các sản phẩm làm tăng lượng chất thải, cần các bãi thải có qui mô lớn và tốn nhiều chi phí tiêu huỷ 

• Các sản phẩm chứa chất độc, gây khó khăn đặc biệt cho việc xử lí; nếu tiêu huỷ không đúng cách sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khoẻ con người. 

Hệ thống đặt cọc - hoàn trả tỏ ra đặc biệt thích hợp với việc quản lí các chất thải rắn. 

Các quốc gia thuộc tổ chức OECD đã áp dụng khá thành công hệ thống đặt cọc - hoàn trả đối với các sản phẩm đồ uống, bia, rượu (đựng trong vỏ chai nhựa hoặc thuỷ tinh) mang lại hiệu quả cao cho việc thu gom các phế thải. 

Hiện nay các nước này đã và đang mở rộng việc áp dụng hệ thống đặt cọc - hoàn trả sang các lĩnh vực khác như vỏ tàu, ô tô cũ, dầu nhớt, ắc qui có chứa chì, thuỷ ngân, cadimi; vỏ chai đựng thuốc trừ sâu, các đồ điện gia dụng như máy thu hình, tủ lạnh, điều hoà không khí... 

Nhiều nước trong khu vực Đông á như Hàn Quốc, Đài Loan cũng đã có thành công nhất định trong việc áp dụng hệ thống đặt cọc - hoàn trả đối với vỏ lon, vỏ chai nhựa, thuỷ tinh, sắt, thép, nhôm phế liệu, ắc qui, săm lốp, dầu nhớt, giấy loại, ... 

Theo kinh nghiệm của các nước, mức đặt cọc là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả của hệ thống đặt cọc - hoàn trả. Các mức đặt cọc thấp sẽ không tạo ra động cơ kinh tế đủ mạnh cho việc thu gom và tái chế phế thải. 

Ngoài ra các yếu tố như nhận thức và ý thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với vấn đề thu gom phế thải, khả năng tổ chức, quản lí hệ thống thu gom cũng như vấn đề công nghệ tái chế đều có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hoạt động và thành công của hệ thống.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình kinh tế và quản lí môi trường, Nguyễn Thế Chinh, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Thuật ngữ khác