Hao mòn tài sản vô hình (Amortization of intangible assets) là gì? Cách ước tính
Mục Lục
Hao mòn tài sản vô hình
Hao mòn tài sản vô hình trong tiếng Anh tạm dịch là: Amortization of intangible assets.
Hao mòn của tài sản vô hình chủ yếu là phần giá trị giảm đi do những lỗi thời về chức năng, về công nghệ, về kinh tế. Hao mòn về mặt vật lí không áp dụng đối với hầu hết các tài sản vô hình.
Hao mòn do lỗi thời chức năng xuất hiện khi tài sản vô hình không còn đáp ứng tốt chức năng ban đầu mà nó được tạo ra để thực hiện. Lỗi thời chức năng có thể xảy ra do các nguyên nhân bên trong hoặc do sự thay đổi của môi trường bên ngoài.
Hao mòn do lỗi thời về công nghệ xuất hiện khi những chức năng mà tài sản vô hình được tạo ra ban đầu để thực hiện đã không còn cần thiết nữa, mặc dù tài sản vô hình vẫn đang thực hiện chức năng đó.
Hao mòn do lỗi thời về kinh tế tồn tại khi tài sản vô hình không tạo ra được tỉ lệ thu nhập hợp lí cho người sở hữu tài sản vô hình đó khi so sánh với tỉ lệ thu nhập trung bình trong ngành kinh tế mà loại tài sản vô hình này đóng vai trò quan trọng.
Ước tính phần giá trị giảm do hao mòn của tài sản vô hình
Khi ước tính phần giá trị giảm do hao mòn của tài sản vô hình, cần xem xét một số yếu tố sau:
- Chênh lệch chi phí nghiên cứu, triển khai (chủ yếu liên quan tới phương pháp chi phí tái tạo): là chênh lệch giữa chi phí để nghiên cứu và triển khai xây dựng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với tại thời điểm tạo ra tài sản vô hình cần thẩm định giá.
- Chênh lệch chi phí vận hành: là chênh lệch giữa chi phí duy trì và sử dụng tài sản vô hình vào thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng. Chi phí này cần được tính cho suốt tuổi đời kinh tế còn lại và tuổi đời hiệu quả của tài sản vô hình.
- Lỗi thời về mặt kinh tế của tài sản vô hình là mức chênh lệch về hiệu quả kinh tế (thu nhập) từ việc sử dụng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng.
- Tuổi đời kinh tế còn lại của tài sản vô hình. Ví dụ: Tài sản vô hình cần thẩm định giá có tuổi đời thực tế (trong trường hợp này đồng thời là tuổi đời hiệu quả) là 6 năm và tuổi đời kinh tế còn lại dự kiến là 12 năm. Như vậy, phần giá trị giảm đi do hao mòn và lỗi thời là 33,33% (=6/(12+6) x 100 %=6/18 x 100 %).
(Tài liệu tham khảo: Thông tư số 06/2014/TT-BTC Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13)