Hành vi xâm phạm quyền tác giả (Copyright Infringement) là gì?
Mục Lục
Hành vi xâm phạm quyền tác giả
Hành vi xâm phạm quyền tác giả hay Hành vi ăn cắp bản quyền/ Hành vi sao chép lậu trong tiếng Anh gọi là: Copyright Infringement.
Hành vi xâm phạm quyền tác giả là việc sử dụng hoặc sản xuất những tài liệu được bảo vệ bản quyền mà không có sự cho phép của chủ bản quyền.
Xâm phạm quyền tác giả có nghĩa là các quyền dành cho chủ bản quyền, chẳng hạn như việc sử dụng độc quyền tác phẩm trong một khoảng thời gian nhất định, đang bị bên thứ ba vi phạm. Âm nhạc và phim ảnh là hai trong số những hình thức giải trí phổ biến nhất bị vi phạm bản quyền đáng kể.
(Tài liệu tham khảo: Investopedia)
Hành vi xâm phạm quyền tác giả là các hành vi sử dụng tác phẩm hay cuộc biểu diễn nhằm mục đích kinh doanh mà không có sự đồng ý của chủ thể quyền tác giả, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác.
Các hành vi này còn gọi là hành vi ăn cắp bản quyền hay sao chép lậu (piracy). Các hành vi xâm phạm theo Điều 28 Luật Sở hữu Trí tuệ được liệt kê như sau:
- Xâm phạm quyền nhân thân không gắn với tài sản: chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, mạo danh tác giả; sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Xâm phạm quyền nhân thân gắn với tài sản: công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả; công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
- Xâm phạm quyền tài sản: trừ trường hợp pháp luật cho phép, hành vi xâm phạm là hành vi sao chép tác phẩm, làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc; xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả;
Làm và bán tác phẩm mà chữ kí của tác giả bị giả mạo; sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả;
Không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo qui định của pháp luật; cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
Như vậy không những hành vi sao chép, bán tác phẩm sao chép lậu bị coi là xâm phạm, mà cả hành vi mua những sản phẩm đó, dù để sử dụng hay để bán, tặng cho, cũng bị coi là xâm phạm quyền tác giả.
(Tài liệu tham khảo: Quyền Sở hữu Trí tuệ, Lê Nết, NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)