Hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Unfair competition) trong kinh doanh là gì?
Mục Lục
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong tiếng Anh được gọi là Unfair competition.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là những hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.
Về mặt bản chất, hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn là các phương thức kinh doanh, để cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những hành vi cạnh tranh này được đẩy lên một cách thái quá, nếu không xử lí sẽ tạo ra cách hành xử tiêu cực trên thị trường.
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng đa dạng hơn so với hành vi hạn chế cạnh tranh, và thường được qui định cụ thể ở các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau.
Bao gồm:
- Chỉ dẫn gây nhầm lẫn
Khoản 1 Điều 39 và Điều 40 Luật Cạnh tranh 2004 qui định: Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lí và các yếu tố khác theo qui định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh;
Cấm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn này.
- Xâm phạm bí mật kinh doanh
Khoản 10 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004 qui định những đặc điểm của bí mật kinh doanh như: "không phải là hiểu biết thông thường, có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó, được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được"
- Ép buộc trong kinh doanh
Điều 42 Luật Cạnh tranh 2004 qui định cấm doanh nghiệp ép buộc khác hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
- Gièm pha doanh nghiệp khác
Điều 43 Luật Cạnh tranh 2004 như sau: "cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó"
- Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác
Hành vi gây rối hoạt động kih doanh của doanh nghiệp khác được qui định tại Điều 44 Luật Cạnh tranh 2004, theo đó: "Cấm doanh nghiệp gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó"
- Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
Luật Cạnh tranh 2004 qui định cụ thể tại Điều 45 bao gồm: quảng cáo so sánh trực tiếp sản phẩm; quảng cáo bắt chước và quảng cáo đưa thông tin gây nhầm lẫn.
- Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
Đó là khuyến mại gian dối về giải thưởng, khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng, phân biệt đối xử với những khách hàng như nhau tại các địa bàn tổ chức khuyến mại khác nhau.
Tặng hàng hóa cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hóa cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình.
- Phân biệt đối xử của hiệp hội
Nếu như các hiệp hội này sử dụng vai trò của mình như một cách thức "chia bè, kết phái" nhằm phân biệt đối xử với các doanh nghiệp trên thị trường thì đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
- Bán hàng đa cấp bất chính
Điều 48 Luật Cạnh tranh 2004 qui định 4 dạng hành vi vi phạm về bán hàng đa cấp bất chính bị cấm, bao gồm:
Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại.
Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.
Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.
(Tài liệu tham khảo: Luật Kinh tế, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)