Hàng hóa công cộng không thuần túy (Impure public goods) là gì?
Mục Lục
Hàng hóa công cộng không thuần túy (Impure public goods)
Hàng hóa công cộng không thuần túy trong tiếng Anh là Impure public goods.
Hàng hóa công cộng không thuần túy mang một số đặc điểm của hàng hóa công cộng nhưng không hoàn toàn không có tính cạnh tranh hoặc không có tính loại trừ.
Hàng hóa công cộng thuần túy là loại hàng hóa đảm bảo hai thuộc tính cơ bản của hàng hóa công cộng, đó là không có tính cạnh tranh và không có tính loại trừ.
Trong thực tế, có rất ít hàng hóa công cộng (HHCC) thỏa mãn một cách chặt chẽ cả hai thuộc tính nói trên, tức là có rất ít những loại HHCC được coi là thuần túy. Đa số các HHCC được cung cấp chỉ có một trong hai thuộc tính nói trên và có ở những mức độ khác nhau. Những HHCC đó được gọi là HHCC không thuần túy.
Bản chất và phân loại
- Hàng hóa công cộng không thuần túy được coi là những trường hợp trung gian, nằm giữa hai thái cực là hàng hóa công cộng thuần túy và hàng hóa cá nhân thuần túy.
Tùy theo mức độ tạo ra ngoại ứng trong sản xuất hoặc tiêu dùng hàng hóa, và tùy theo khả năng có thể thiết lập được một cơ chế mua bán quyền sử dụng những hàng hóa này mà HHCC không thuần túy có thể được chia thành hai loại:
(1) Hàng hóa công cộng có thể tắc nghẽn là những hàng hóa mà khi có thêm nhiều người cùng sử dụng chúng thì có thể gây ra sự ùn tắc hay tắc nghẽn khiến lợi ích của những người tiêu dùng trước đó bị giảm sút.
(2) Hàng hóa công cộng có thể loại trừ bằng giá hay gọi tắt là hàng hóa công cộng có thể loại trừ. Đó là những hàng hóa mà lợi ích do chúng tạo ra có thể định giá.
Liên hệ thực tiễn
- Có rất nhiều hình thức cung cấp HHCC không thuần túy khác nhau, và rất khó để tổng quát hóa xem phương thức nào là thích hợp nhất. Chúng có thể do khu vực tư nhân sản xuất và cung cấp theo cơ chế thị trường như trường hợp dịch vụ giải trí được cung cấp qua hình thức câu lạc bộ tư nhân, truyền hình...
- Nhiều loại HHCC không thuần túy khác có thể vừa được cung cấp theo thị trường, vừa được Chính phủ cung cấp miễn phí như giáo dục tiểu học.
(Tài liệu tham khảo: Oxford Reference; Giáo trình Kinh tế công cộng, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)