Gói kích thích kinh tế (Stimulus Package) là gì? Gói kích thích kinh tế trong thực tiễn
Mục Lục
Gói kích thích kinh tế
Gói kích thích kinh tế trong tiếng Anh là Stimulus Package.
Gói kích thích kinh tế là các biện pháp kinh tế được chính phủ sử dụng kết hợp để kích thích nền kinh tế đang suy thoái. Mục tiêu của gói kích thích kinh tế là thúc đẩy nền kinh tế và ngăn chặn hoặc đẩy lùi suy thoái bằng cách gia tăng việc làm và chi tiêu.
Lí thuyết ủng hộ gói kích thích kinh tế bắt nguồn từ Kinh tế học Keynes, lập luận rằng ảnh hưởng của suy thoái kinh tế có thể giảm bớt khi tăng chi tiêu của chính phủ.
Cách hoạt động của gói kích thích kinh tế
Gói kích thích kinh tế bao gồm các ưu đãi và giảm thuế do chính phủ đưa ra nhằm tăng chi tiêu trong nỗ lực kéo đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế hoặc để chấm dứt tình trạng nền kinh tế tăng trưởng chậm.
Gói kích thích kinh tế có thể bao gồm các chính sách kích thích tiền tệ hoặc kích thích tài khóa. Kích thích tiền tệ bao gồm việc cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Khi lãi suất được cắt giảm, mọi người sẽ có nhiều động lực hơn khi đi vay vì chi phí vay giảm.
Vay nợ tăng dẫn đến có có nhiều tiền hơn trong lưu thông, khuyến khích chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít đi. Lãi suất giảm cũng có thể làm suy yếu tỉ giá hối đoái của một quốc gia, do đó dẫn đến tăng xuất khẩu. Khi xuất khẩu tăng, tiền được đổ vào nền kinh tế nhiều hơn, thúc đẩy chi tiêu và tăng trưởng kinh tế.
Gói kích thích kinh tế trong thực tiễn
Sau khi bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu, Ngân hàng Anh đã thiết kế một gói kích thích kinh tế nhằm ngăn chặn kinh tế nước này rơi vào suy thoái. Một phần của gói kích thích này bao gồm kế hoạch nới lỏng định lượng để mua trái phiếu doanh nghiệp trị giá 10 tỉ bảng Anh nhằm giảm chi phí đi vay. Lãi suất cũng được giảm từ 0,5% xuống còn 0,25%.
Khi lựa chọn kích thích tài khóa, chính phủ sẽ cắt giảm thuế hoặc tăng chi tiêu để nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Khi thuế được cắt giảm, mọi người có thêm thu nhập khả dụng. Tăng thu nhập khả dụng dẫn đến chi tiêu trong nước gia tăng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khi chính phủ tăng chi tiêu đồng nghĩa với việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế, làm giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng chi tiêu và cuối cùng, chống lại tác động của suy thoái kinh tế.
Suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 đã dẫn đến các gói kích thích kinh tế toàn cầu chưa từng có của chính phủ trên thế giới. Tại Mỹ, gói kích thích kinh tế giá 787 tỉ USD năm 2009 bao gồm một loạt các khoản giảm thuế và chi tiêu cho các dự án nhằm tạo ra nhiều việc làm và giúp nền kinh tế Mỹ hồi sinh nhanh chóng.
Gói kích thích kinh tế này bao gồm các khoản cắt giảm thuế trị giá 288 tỉ USD, 275 tỉ USD được phân bổ cho các hợp đồng liên bang và trợ cấp để thúc đẩy tạo ra việc làm, 224 tỉ USD cho hỗ trợ thất nghiệp, chăm sóc sức khỏe và giáo dục để giữ cho nền kinh tế phát triển.
(Theo investopedia)