Giao dịch hoán đổi lãi suất - giao dịch Swaps (Interest Rate Swap) là gì?
Mục Lục
Giao dịch hoán đổi lãi suất (Interest Rate Swap)
Giao dịch hoán đổi lãi suất - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Interest Rate Swap, viết tắt là giao dịch Swaps.
Một giao dịch hoán đổi lãi suất (giao dịch Swaps) bao gồm một chuỗi các giao dịch kì hạn về lãi suất được thỏa thuận và giao dịch bởi hai đối tác.
Ví dụ, một hợp đồng Swaps lãi suất có kì hạn 4 năm và các ngày hoán đổi (ngày Swaps) lãi suất được thỏa thuận là hàng năm và vào cuối mỗi năm, cho nên hợp đồng này sẽ có bốn luồng tiền giao dịch giữa các đối tác.
Do đó, về bản chất thì hợp đồng Swaps có thời hạn 4 năm giống như một chuỗi bốn hợp đồng kì hạn (độc lập) về lãi suất, đó là: hợp đồng kì hạn 1 năm, hợp đồng kì hạn 2 năm, hợp đồng kì hạn 3 năm và hợp đồng kì hạn 4 năm.
Như vậy, thông qua giao dịch Swaps cho phép một ngân hàng có thể tiến hành phòng ngừa rủi ro lãi suất một cách dài hạn, có khi tới 15 năm, do đó sẽ giảm được sự cần thiết phải tiến hành các giao dịch tuần hoàn như trong các trường hợp giao dịch kì hạn và tương lai. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Thực trạng thị trường Swaps hiện nay
Thị trường Swaps đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Theo dự đoán của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) thì số dư giao dịch Swaps thuộc tất cả các loại xấp xỉ $4.000 tỉ, lớn hơn rất nhiều so với thị trường Future, Option, Cap, Floor và Collars.
Các ngân hàng thương mại là những thành viên chính tham gia thị trường với mục đích phòng ngừa rủi ro cho chính mình hoặc là tìm kiếm lợi nhuận thông qua kinh doanh trực tiếp hoặc môi giới.
Với chức năng kinh doanh trực tiếp, ngân hàng hoạt động như là nhà trung gian (người thứ ba) thông qua hành động mua vào và bán ra đồng thời các hợp đồng Swaps. Thị trường Swaps phát triển nhanh chóng trong những năm 1980, điều này làm tăng sự chú ý về quản lí rủi ro của các cơ quan định chế đối với các ngân hàng tham gia thị trường này.
Nhìn chung, nếu sắp xếp theo thứ tự về doanh số giao dịch thì thứ tự quan trọng của bốn loại giao dịch Swaps như sau: Swaps lãi suất, Swaps ngoại tệ, Swaps hàng hóa và Swaps cổ phiếu. Trong khi các công cụ được sử dụng trong giao dịch Swaps có thể thay đổi, thì những nguyên tắc cơ bản của giao dịch Swaps vẫn được giữ nguyên.
Những điểm cơ bản về giao dịch Swaps
Một hợp đồng Swaps bao gồm người mua (Swap buyer) và người bán (Swap seller). Tại những ngày giá trị giao dịch, người mua thanh toán lãi suất cố định cho người bán và người bán thanh toán lãi suất thả nổi cho người mua.
Người thanh toán lãi suất cố định (theo thông lệ là người mua), nhìn chung là ngân hàng có lợi thế so sánh trong việc thanh toán lãi suất cố định đối với vốn huy động; trong khi đó, người thanh toán lãi suất thả nổi (theo thông lệ là người bán), nhìn chung là ngân hàng có lợi thế so sánh trong việc thanh toán lãi suất thả nổi.
Thông qua giao dịch Swaps lãi suất, ngân hàng mua (tức là ngân hàng thanh toán lãi suất cố định) nhằm mục đích chuyển việc thanh toán lãi cho vốn huy động từ hình thức lãi suất thả nổi sang hình thức cố định để phù hợp với tính chất cố định của nguồn thu từ tài sản có.
Trong khi đó, ngân hàng bán (tức là ngân hàng thanh toán lãi suất thả nổi) nhằm mục đích chuyển việc thanh toán lãi cho vốn huy động từ hình thức lãi suất cố định sang hình thức thả nổi để phù hợp với tính chất thả nổi của nguồn thu từ tài sản có. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)