1. Kinh doanh thương mại

Giám sát hải quan (Customs supervision) là gì? Nguyên tắc tiến hành hoạt động giám sát

Mục Lục

Giám sát hải quan (Customs supervision)

Giám sát hải quan trong tiếng Anh là Customs supervision.

Giám sát hải quan (Customs supervision) là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hóa, sự tuân thủ qui định của pháp luật trong việc bảo quản, lưu giữ, xếp dỡ, vận chuyển, sử dụng hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải đang thuộc đối tượng quản lí hải quan. (theo Điều 4 Luật Hải quan 2014)

Các đối tượng chịu sự giám sát hải quan

Đối tượng chịu sự giám sát của Hải quan bao gồm hàng hóa và phương tiện vận tải, cụ thể:

- Hàng hóa đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu nhưng chưa được xuất khẩu

- Hàng hóa đã làm xong thủ tục hải quan nhập khẩu nhưng chưa được thông quan

- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan được lưu trong kho, bãi thuộc phạm vi địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan

- Hàng hóa, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

- Hàng hóa, phương tiện vận tải chuyển cửa khẩu

- Hàng hóa, phương tiện vận tải chuyển cảng.

Nguyên tắc tiến hành hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát hải quan dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau đây:

- Giám sát hải quan phải được thực hiện trong suốt thời gian từ khi hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được đặt trong địa bàn hoạt động của Hải quan cho đến khi hàng hóa, phương tiện vận tải được thông quan;

- Giám sát hải quan phải được tiến hành bình đẳng. Tất cả các hàng hóa hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh không phân biệt xuất xứ, quốc tịch khi đặt trong địa bàn hoạt động của Hải quan đều phải chịu sự kiểm tra, giảm sát của Hải quan;

- Giám sát hải quan phải được tiến hành một cách công khai, minh bạch. Thực hiện nguyên tắc này, cơ quan hải quan phải công khai các văn bản qui phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các qui định quyết định liên quan đến hoạt động giám sát của Hải quan, tuyên truyền giới thiệu, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp và giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động giám sát hải quan;

- Các qui định liên quan đến hoạt động giám sát phải đảm bảo tính nhất quán, hợp pháp và theo hướng phù hợp với xu hướng hiện đại hóa hải quan;

- Hoạt động giám sát phải tạo thuận lợi cho hoạt động giao lưu thương mại quốc tế và đảm bảo mục đích thực hiện các chức năng quản lí của cơ quan Hải quan.

Mục tiêu giám sát hải quan

Hoạt động giám sát hải quan được tiến hành thường xuyên và là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tốt các nhiệm vụ khác của hải quan. Vì thế, giám sát hải quan phải đạt được các mục tiêu như sau:

- Giám sát theo dõi đảm bảo tính nguyên trạng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; và phối hợp với đơn vị có liên quan để nắm bắt, quản lí đảm bảo tất cả các hàng hóa tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh nhập cảnh, quá cảnh đều phải tuân thủ những qui định của pháp luật hải quan

- Giám sát hải quan nhằm ngăn ngừa, phát hiện để xử lí những hành vi vi phạm pháp luật, che giấu, tàng trữ hàng hóa, phương tiện, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan khác;

- Giám sát có hiệu quả là tiền đề cho việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra hải quan, tính thuế và các vấn đề khác được thực hiện theo đúng qui định, đúng đối tượng;

- Hoạt động giám sát phải tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn bảo đảm chức năng quản lí nhà nước về hải quan.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Hải quan cơ bản, NXB Tài chính)

Thuật ngữ khác