1. Kinh tế học

Giá trần (Price ceiling) trong kinh tế vi mô là gì?

Mục Lục

Giá trần

Giá trần trong tiếng Anh được gọi là: Price ceiling.

Giá trần là mức giá tối đa mà nhà nước buộc những người bán phải chấp hành.

Khi thiết lập mức giá trần, mục tiêu của nhà nước là kiểm soát giá để bảo vệ những người tiêu dùng. 

Khi mức giá cân bằng trên thị trường được xem là quá cao, bằng việc đưa ra mức giá trần thấp hơn, nhà nước hi vọng rằng, những người tiêu dùng có khả năng mua được hàng hoá với giá thấp và điều này được coi là có ý nghĩa xã hội to lớn khi những người có thu nhập thấp vẫn có khả năng tiếp cận được các hàng hoá quan trọng. 

Chính sách giá trần thường được áp dụng trên một số thị trường như thị trường nhà ở, thị trường vốn…

Hình 1: Giá trần và sự thiếu hụt hàng hóa (dư cầu)

Giả sử khi nhà nước chưa can thiệp, thị trường cân bằng tại điểm E, với mức giá P* và sản lượng Q*. Nếu P* được coi là quá cao, nhà nước qui định giá trần là P1 trong đó P1 thấp hơn P*. Tại mức giá P1, lượng cung giảm xuống còn QS1 đồng thời lượng cầu tăng lên thành QD1. 

Thị trường giờ đây không còn ở trạng thái cân bằng. Trên thị trường tồn tại sự thiếu hụt hàng hoá hay sự dư cầu do lượng cầu lớn hơn lượng cung. 

Trên thị trường tự do, trạng thái dư cầu chỉ là tạm thời vì nó lại tạo ra áp lực tăng giá và chính điều này làm cho dư cầu dần dần bị triệt tiêu, đồng thời thị trường dịch chuyển về điểm cân bằng. 

Tuy nhiên, ở đây qui định về giá trần của nhà nước khiến cho giá cả không được phép tăng lên vượt quá mức P1. Điều này khiến cho thị trường không trở về được điểm cân bằng. 

Hậu quả của việc thiếu hụt hàng hoá là: ở mức giá P1 nhiều người tiêu dùng không mua được hàng hoá để thoả mãn nhu cầu của mình; nạn xếp hàng xuất hiện khiến cho việc mua hàng trở nên mất thời gian hơn; thị trường ngầm có cơ hội nảy sinh do sự khan hiếm hàng hoá… 

Những hậu quả này có thể làm tổn hại lợi ích của người tiêu dùng, không giống như sự kì vọng ban đầu của nhà nước.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Vi mô, PGS.TS. Phí Mạnh Hồng, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội)

Thuật ngữ khác