Đường cầu tiền tệ (Money Demand Curve) là gì? Các nhân tố ảnh hưởng
Mục Lục
Đường cầu tiền tệ (Money Demand Curve)
Đường cầu tiền tệ trong tiếng Anh gọi là Money Demand Curve. Đường cầu tiền tệ là đường biểu thị mối quan hệ giữa lượng cầu tiền MD tại mức lãi suất (i) và thu nhập quốc dân (Y).
Biểu diễn đường cầu tiền tệ
Đường cầu tiền tệ dưới dạng hàm tổng quát:
MD = k.Y - h.i = L(i,Y)
Trong đó:
Y: thu nhập quốc dân (thu nhập thực tế)
i: lãi suất
k: độ nhạy cảm (hệ số) phản ánh mối quan hệ của cầu tiền và thu nhập
h: độ nhạy cảm (hệ số) phản ánh mối quan hệ của cầu tiền và lãi suất
Tóm lại: Phương trình này cho biết yếu tố chủ yếu quyết định số dư tiền tệ thực tế mà dân cư muốn giữ. Đồng thời cũng nói lên số dư tiền tệ thực tế tỉ lệ thuận với thu nhập quốc dân (thu nhập thực tế) và tỉ lệ nghịch với lãi suất.
Trong trường hợp đặc biệt, hàm cầu tiền có dạng:
MD = M0 + k.Y - h.i
Trong đó:
M0 là cầu tiền tự định
Đặc trưng
Giống như cầu về hàng hóa bất kì nào khác, cầu về tiền cũng phụ thuộc vào giá cả. Lãi suất mà cá nhân có thể nhận được từ trái phiếu có thể coi là giá của tiền, bởi vì nó đo lường chi phí cơ hội của việc giữ tiền.
Khi lãi suất tăng, chi phí của việc giữ tiền tăng, do đó lượng cầu về tiền giảm.
Ngược lại, khi lãi suất giảm, chi phí cơ hội của việc giữ tiền giảm, do đó lượng cầu về tiền tăng.
Kết luận: Đường cầu tiền dốc xuống vì lãi suất là chi phí của việc giữ tiền nên lãi suất cao làm giảm cầu về số dư tiền tệ thực tế và ngược lại.
Các nhân tố ảnh hưởng đến đường cầu tiền tệ
Khi lãi suất thay đổi, sẽ xảy ra hiện tượng trượt dọc (di chuyển) các điểm trên đường cầu tiền tệ.
Giả sử trên đường cầu tiền MD, khi lãi suất tăng từ i0 -> i1 thì lượng cầu tiền giảm từ M1 -> M0.
Nguồn: chegg
Khi các yếu tố ngoài lãi suất thay đổi: Giả sử thu nhập quốc dân tăng lên, đường cầu tiền tệ sẽ dịch chuyển từ MD0 đến MD1 và ngược lại khi thu nhập quốc dân giảm, đường cầu tiền sẽ dịch chuyển từ MD1 đến MD0.
Nguồn: Giáo trình Kinh tế vĩ mô, NXB Tài chính
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế vĩ mô, NXB Tài chính; Giáo trình Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)