Du lịch ẩm thực (Food tourism) là gì? Tiềm năng phát triển tại Việt Nam
Mục Lục
Du lịch ẩm thực
Du lịch ẩm thực trong tiếng Anh gọi là: Culinary tourism hay Food tourism hay Gastronomy tourism.
Du lịch ẩm thực là loại hình du lịch văn hóa mà qua đó du khách không chỉ được trải nghiệm các món ăn, đồ uống mà là cả các trải nghiệm bản sắc văn hóa, cuộc sống của cộng đồng tại điểm đến qua câu chuyện của từng món ăn, đồ uống đó.
Với việc trải nghiệm các món ăn, đồ uống, lễ hội ẩm thực, lớp học nấu ăn hoặc bữa ăn theo mô hình “từ trang trại đến bàn ăn”…, du khách được hòa mình và cảm nhận giá trị truyền thống địa phương một cách chân thực nhất.
Vai trò
Du lịch ẩm thực hiện đang là một xu hướng lớn trên thế giới. Thưởng thức ẩm thực là sở thích của hàng triệu người, nó ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong chuyến du lịch của du khách và đã trở thành một trong những lí do chính khi lựa chọn điểm đến của khách du lịch.
Văn hóa ẩm thực ở mỗi vùng miền, mỗi quốc gia, mỗi điểm đến đều có sự khác biệt, thể hiện bản sắc của điểm đến và nó trở thành yếu tố tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch.
Du lịch ẩm thực mở ra những cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế địa phương, của điểm đến, của quốc gia và đóng góp đáng kể vào chuỗi giá trị du lịch như nông nghiệp, sản xuất chế biến thực phẩm, thúc đẩy quảng bá văn hóa, giữ gìn di sản văn hóa và tăng cường giao lưu văn hóa.
(Theo: Những xu hướng lan tỏa và định hình sản phẩm du lịch trong thời gian tới, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, 2019)
Theo báo cáo toàn cầu về du lịch ẩm thực của Tổ chức Du lịch thế giới, du khách thường chi trung bình 1/3 ngân sách chuyến đi cho ẩm thực. Ðồng thời, có tới hơn 80% số đơn vị, tổ chức du lịch khi được điều tra đều xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến, là động lực quan trọng cho phát triển du lịch.
Bên cạnh việc thưởng thức, mang đến những trải nghiệm vị giác khác lạ, ẩm thực còn giúp du khách cảm nhận được nét văn hóa bản địa đặc sắc của từng vùng, miền, địa phương, từ đó tăng cường ấn tượng về điểm đến.
Với những quốc gia có nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn, nếu bỏ qua việc tận dụng lợi thế về ẩm thực có nghĩa là đã bỏ qua cả "mỏ vàng" để phát triển du lịch.
Du lịch ẩm thực chính là cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế địa phương và đất nước, tạo điều kiện gia tăng chuỗi giá trị trong nông nghiệp, sản xuất chế biến thực phẩm, đồng thời giữ gìn và quảng bá văn hóa quốc gia ra thế giới…
Tiềm năng phát triển tại Việt Nam
Những năm qua, di sản văn hóa ẩm thực được hình thành qua hàng ngàn năm của Việt Nam đã làm say lòng bao khách du lịch nước ngoài khi đến thăm dải đất hình chữ S. Hàng chục món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, bún chả, bánh mì, nem… đã được các tổ chức thế giới, tạp chí ẩm thực, kênh truyền thông quốc tế uy tín vinh danh.
Không chỉ đa dạng, hài hòa, tinh tế, dễ thưởng thức, ẩm thực nước ta còn chứa đựng tính nghệ thuật cao, thể hiện sự khéo léo, tinh tế, nhân văn trong chế biến. Ðiều này cho thấy, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và thế mạnh để phát triển thương hiệu du lịch quốc gia một cách bền vững thông qua ẩm thực.
Quá trình phát triển
(Theo: Du lịch ẩm thực và vấn đề đặt ra cho “Kinh đô ẩm thực”, Báo điện tử Thừa Thiên Huế, 2019)
Nhìn lại quá trình phát triển của du lịch ẩm thực (DLAT) trên thế giới, có thể thấy loại hình này đã được phát triển mạnh mẽ qua 3 giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu tiên 2001 - 2012, DLAT được đặt tên (Food tourism/ Culinary Tourism/ Gastronomy Tourism), định hình và hoàn thiện cả về khái niệm lẫn nội hàm: là loại hình nhằm tìm kiếm và thụ hưởng sự độc đáo và đáng nhớ từ những trải nghiệm về đồ ăn và thức uống, theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
Từ 2012 - 2018, lí thuyết về loại hình lẫn mô hình dần được hoàn thiện từ thực tiễn khai thác ở nhiều điểm đến và được nhiều quốc gia đưa vào chiến lược phát triển với những chính sách cụ thể.
Ví dụ như: Thailand - Bếp của thế giới, Con đường hương vị Indonesia, Linh hồn ẩm thực Bali, Hương vị Porto, Nuốt chửng Barcelona…
Từ 2018 đến nay là giai đoạn chứng kiến sự bùng nổ của DLAT trên nhiều phương diện: doanh nghiệp quốc tế và doanh nghiệp tại điểm đến đẩy mạnh khai thác, phát triển các tua DLAT;
Các lễ hội ẩm thực thường xuyên được tổ chức; công tác truyền thông quảng bá liên tục được chính quyền điểm tăng cường; chi tiêu của du khách cho loại hình này ngày càng lớn (chiếm đến 1/3 chi phí chuyến đi) và thời gian lưu trú ngày càng tăng, mang lại giá trị kinh tế xã hội lớn cho các điểm đến.
Có thể khẳng định, DLAT đã và đang trở thành một xu thế chính của du lịch và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các điểm đến. Đây chính là cơ hội đặt ra cho những vùng đất giàu bản sắc và truyền thống văn hóa.
(Tài liệu tham khảo: Phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam, Báo Nhân Dân điện tử, 2019)