Dự báo cầu tương lai (Future Demand Forecast) là gì?
Mục Lục
Dự báo cầu tương lai
Dự báo cầu tương lai trong tiếng Anh tạm dịch là: Future Demand Forecast.
Dự báo cầu tương lai phục vụ cho việc lập kế hoạch dài hạn, tiên lượng mức tiêu thụ, chọn thị trường mục tiêu. Vì vậy, dự báo tốt trở thành yếu tố then chốt đảm bảo cho sự thành công của doanh nghiệp.
Ngược lại dự báo tồi dẫn đến tình trạng dự trữ quá mức, hoặc mất cơ hội gia tăng doanh số, lợi nhuận kinh doanh giảm sút.
Dự báo là một công việc rất khó khăn vì có quá nhiều tác nhân, lực lượng mà một doanh nghiệp cá biệt không thể kiểm soát và lường hết được.
Để hạn chế tối đa những sai sót trong dự báo, các doanh nghiệp thường sử dụng qui trình ba giai đoạn: dự báo vĩ mô, dự báo ngành và tiếp theo là dự báo mức tiêu thụ của doanh nghiệp.
Dự báo vĩ mô được thực hiện dựa trên các dự đoán về tình trạng lạm phát, tình trạng thất nghiệp, lãi suất, chỉ tiêu của người tiêu dùng, đầu tư kinh doanh, cán cân thanh toán, GDP...
Khi dự báo mức tiêu thụ ngành, các số liệu vĩ mô sẽ được sử dụng cùng với các dữ kiện gắn với môi trường ngành. Tiếp sau đó, các doanh nghiệp sẽ suy ra mức tiêu thụ của mình dựa vào thị phần mục tiêu mà doanh nghiệp theo đuổi.
Để dự báo được cầu tương lai, các doanh nghiệp có thể sử dụng các phương pháp chủ yếu sau:
- Thăm dò ý định người mua: Bảng điều tra, phỏng vấn, xác định xác suất mua, tình cảm và mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp có thể tiên đoán được mức tiêu thụ của họ trong tương lai.
Để đảm bảo tính chính xác của các kết quả dự báo, phương pháp này phải được những người có chuyên môn nghiên cứu marketing đảm nhiệm.
- Tổng hợp ý kiến của lực lượng bán hàng: Các doanh nghiệp có thể yêu cầu các đại diện bán hàng ước tính xem những khách hàng hiện có và tương lai sẽ mua bao nhiêu sản phẩm của doanh nghiệp theo từng chủng loại thuộc phạm vị phân phối của các đại diện bán hàng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, phương pháp này cung cấp những thông tin về mức tiêu thụ trong tương lai có tính chính xác cao.
Nhưng cũng không ít trường hợp, các số liệu mà các đại diện bán cung cấp không chính xác do những hạn chế của họ trong việc nắm bắt những thông tin về môi trường vĩ mô hoặc do những tính toán chủ quan của những người đại diện.
- Các phương pháp khác: Để có các số liệu dự báo, các doanh nghiệp còn có thể thu thập từ các nguồn như: các chuyên gia, các Hiệp hội thương mại, người cung ứng, hoặc mua số liệu dự báo của các doanh nghiệp làm dịch vụ cung cấp tông tin và tư vấn.
Trong dự báo, các phương pháp của phân tích thống kê, các mô hình toán học... luôn được coi là những công cụ quan trọng.
(Tài liệu tham khảo: Marketing căn bản, GS.TS. Trần Minh Đạo, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2018)