Đổi mới cơ cấu tổ chức (Structure Innovation) là gì? Nội dung đổi mới
Mục Lục
Đổi mới cơ cấu tổ chức
Đổi mới cơ cấu tổ chức trong tiếng Anh được gọi là structure innovation.
Đổi mới cơ cấu tổ chức là việc bố trí, sắp xếp lại các bộ phận cấu thành tổ chức như các mối liên hệ truyền thông, dòng công việc, hoặc quan hệ thứ bậc quản lí.
Đổi mới cơ cấu tổ chức nhằm đảm bảo cho mỗi bộ phận và cả hệ thống đạt được hiệu suất tổng thể cao hơn, phối hợp với nhau tốt hơn.
Nội dung đổi mới
Nội dung của đổi mới cơ cấu bao gồm
- Thiết kế lại các mô hình tổ chức: Chuyển từ cơ cấu cơ học, hành chính máy móc sang cơ cấu hữu cơ linh hoạt; sự đổi mới các bộ phận trong cơ cấu như thành lập mới, sát nhập, hợp nhất, mua lại và bán lại các bộ phận đang hoạt động.
Ví dụ: Bảo Việt chuyển từ mô hình Tổng công ty sang mô hình tập đoàn, thực chất là đổi mới cơ cấu tổ chức từ mô hình theo sản phẩm sang mô hình đơn vị chiến lược giúp cho Bảo Việt có được mô hình cơ cấu tổ chức tối ưu, phù hợp với đặc điểm của một tập đoàn trong điều kiện mới.
- Cắt giảm các hoạt động và tối ưu hóa các bộ phận trong tổ chức: Các chương trình cắt giảm các bộ phận chủ yếu xuất phát từ việc cắt giảm những hoạt động không cần thiết hoặc tối ưu hóa cơ cấu nhằm tối thiểu hóa chi phí hoạt động.
- Thực hiện sự phi tập trung hóa quyền lực: Bằng cách trao quyền nhiều hơn cho các nhà quản lí cấp trung và cấp cơ sở, hay tạo nên các bộ phận có quyền hạn tương đối độc lập trong tổ chức, chuyển giao một số hoạt động cho các đối tác bên ngoài (outsourcing), cơ cấu tổ chức sẽ trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn.
Vào những năm 1990, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành trao quyền xuống cơ sở bằng cách tạo ra các tổ nhóm với sự tham gia và cam kết của người lao động.
- Cải tiến dòng công việc và hợp nhóm một cách thận trọng các chuyên môn. Điều đó có thể làm tăng năng suất, chất lượng, tinh thần đồng đội và tính sáng tạo của nhân viên.
- Đổi mới công cụ phối hợp trong tổ chức: Sử dụng các công cụ phối hợp có tính linh hoạt hơn đảm bảo sự thích nghi của tổ chức trước biến động của môi trường; hay gia tăng tầm quan trọng và xây dựng văn hóa phối hợp, văn hóa làm việc theo nhóm trong tổ chức.
Ví dụ thay vì quá phụ thuộc vào các công cụ phối hợp như hệ thống tiêu chuẩn kinh tế - kĩ thuật khiến cho cơ chế phối hợp trở nên cứng nhắc như trước đây, ngày nay nhiều tổ chức đổi mới công cụ phối hợp bằng cách sử dụng các kế hoạch, hệ thống thông tin truyền thông hay văn hóa tổ chức một cách linh hoạt và hiệu quả.
(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về đổi mới, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)