Độc quyền tự nhiên (Natural monopoly) là gì? Các chiến lược điều tiết
Mục Lục
Độc quyền tự nhiên
Độc quyền tự nhiên trong tiếng Anh được gọi là natural monopoly.
Độc quyền tự nhiên là tình trạng trong đó các yếu tố hàm chứa trong quá trình sản xuất cho phép hãng có thể liên tục giảm chi phí sản xuất khi qui mô sản xuất mở rộng, do đó cách thức tố chức sản xuất hiệu quả nhất là chỉ thông qua một hãng duy nhất.
Hình thức tổ chức sản xuất này thường hay thấy trong các ngành dịch vụ công được tổ chức cung ứng theo mạng lưới, có chi phí đầu tư cố định ban đầu lớn như hệ thống truyền tải điện, nước, đường sắt…
Chẳng hạn, sẽ hết sức lãng phí nếu có hai hãng đường sắt cùng hoạt động trên cùng một tuyến, vì khi đó sẽ cần hai hệ thống đường ray. Tương tự như thế, hai công ty cấp nước với hai mạng lưới đường ống khác nhau cùng phục vụ cho một địa bàn dân cư là một sự bố trí sản xuất phi lí.
Khi đó, chính phủ có thể quyết định chỉ để một hãng cung cấp cho toàn bộ thị trường.
Các chiến lược điều tiết độc quyền tự nhiên của chính phủ
- Định giá bằng chi phí trung bình
Theo cách này, hãng sẽ phải tính tất cả mọi chi phí sản xuất của mình (cả chi phí cố định và biến đổi), rồi chia bình quân chúng cho từng đơn vị sản phẩm.
Chi phí trên mỗi đơn vị lúc này gọi là chi phí bình quân đã phân bổ hoàn toàn. Khách hàng sẽ phải trả giá đúng bằng mức chi phí bình quân đã phân bổ hoàn toàn này.
Giải pháp này là một sự cải tiến đáng kể so với khi hãng không bị điều tiết. Nó đã loại bỏ được hoàn toàn lợi nhuận siêu ngạch của hãng độc quyền, vì thế đã góp phần tạo ra một kết cục cân bằng hơn.
- Định giá bằng chi phí biên cộng với một khoản thuế khoán
Thuế khoán được hiểu như một loại thuế đánh đại trà vào tất cả mọi người, và không ai có thể thay đổi hành vi của mình để giảm bớt gánh nặng thuế phải nộp.
Ưu điểm của thuế khoán là nó không gây ra những méo mó của thuế, vì vậy nó sẽ không tạo ra thêm sự phi hiệu quả cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh. Thuế khoán rất khó áp dụng trong thực tế. Vì nó không phân biệt giữa mọi cá nhân nên thuế này thường bị chỉ trích là không công bằng.
Nếu theo nguyên tắc lợi ích, tức là ai tiêu dùng hàng hoá thì mới phải trả thuế, thì có thể sẽ công bằng hơn nếu phần thâm hụt đó được trang trải bằng một thứ thuế chỉ đánh vào người tiêu dùng sản phẩm độc quyền.
Nhưng tất cả những loại thuế có phân biệt đối tượng như vậy đều gây ra sự phi hiệu quả, và tổn thất này có thể lớn không kém gì sự phi hiệu quả của độc quyền mà chính phủ đang tìm cách khắc phục.
- Định giá hai phần
Định giá hai phần sẽ gồm một khoản phí để được quyền sử dụng dịch vụ của hãng độc quyền, cộng với mức giá bằng chi phí biên với mỗi đơn vị dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng.
Tuy vậy, một vấn đề đặt ra là người tiêu dùng phải trả trước một khoản phí để được phép sử dụng dịch vu. Điều này có thể làm một số người sử dụng ngần ngại, khiến mức tiêu dùng thực tế đạt thấp hơn mức hiệu quả.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Công cộng, 2012, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)