Doanh thu hòa vốn (Break even revenue) là gì? Cách xác định doanh thu hòa vốn
Mục Lục
Doanh thu hòa vốn (Break even revenue)
Doanh thu hòa vốn trong tiếng Anh là Break even revenue. Doanh thu hòa vốn là doanh thu tại mức sản lượng hòa vốn.
Sản lượng hòa vốn (Break even volume) là sản lượng sản xuất của doanh nghiệp mà tại đó doanh thu vừa đủ để bù đắp chi phí bỏ ra, bao gồm chi phí cố định và chi phí biến đổi.
Cách xác định doanh thu hòa vốn
TH1: Doanh nghiệp sản xuất một mặt hàng hay một loại sản phẩm
Doanh thu hòa vốn Dth được xác định bằng cách lấy sản lượng hòa vốn nhân với giá bán Dt = SLh x g
Lưu ý: Doanh thu hòa vốn còn có thể xác định bằng cách khác.
Từ công thức (3) ta có:
Dth = (Đp : lb) x g
Từ đây ta có: Dth = Đp : (lb : g)
Hay Dth = Tổng định phí : Tỉ suất lãi trên biến phí
TH2: Doanh nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng hay nhiều loại sản phẩm
Bước 1: Xác định tỉ lệ kết cấu doanh thu của các mặt hàng tiêu thụ
Tỉ lệ kết cấu doanh thu của từng mặt hàng = Doanh thu từng mặt hàng/Tổng doanh thu x 100%
Bước 2: Xác định tỉ suất lợi nhuận trên chi phí biến đổi bình quân của các mặt hàng
Bước 3: Xác định doanh thu hòa vốn chung
Dth = Đp/Lb%
Bước 4: Xác định doanh thu hòa vốn và sản lượng hòa vốn cho từng mặt hàng.
Doanh thu hòa vốn từng mặt hàng = Doanh thu hòa vốn chung x Tỉ lệ kết cấu doanh thu từng mặt hàng
Sản lượng hòa vốn từng = Doanh thu hòa vốn của từng mặt hàng mặt hàng / Giá bán từng mặt hàng
Ví dụ 1
Với số liệu của công ty may Hưng Thịnh (đơn vị: 1.000 đồng)
Chỉ tiêu | Tổng số | Tính cho một sản phẩm |
---|---|---|
Doanh thu | 300.000 (tính trên 1.000 áo) | 300 |
Chi phí nguyên liệu trực tiếp | 150.000 | 150 |
Chi phí nhân công trực tiếp | 20.000 | 20 |
Chi phí sản xuất chung biến đổi | 5.000 | 5 |
Tổng chi phí biến đổi | 175.000 | 175 |
Lãi trên biến phí | 125.000 | 125 |
Chi phí cố định | 37.000 | 37 |
Lợi nhuận | 88.000 | 88 |
Từ số liệu của Công ty may Hưng Thịnh, chúng ta sẽ xác định được doanh thu hòa vốn như sau:
Cách 1:
Định phí = 37.000 (nghìn đồng)
Chi phí biến đổi đơn vị: 175 (nghìn đồng)
Lãi trên biến phí đơn vị: lb = 125 (nghìn đồng)
Ta có: SLh = 37.000/125 = 296 (sản phẩm)
Doanh thu hòa vốn sẽ là: 296 x 300 = 88.800 (nghìn đồng)
Cách 2:
Dth = 37.000 : 41,67% = 88.800 (nghìn đồng)
Ví dụ 2
Công ty may Hưng Thịnh sản xuất ba loại sản phẩm TH 10, TH 14, TH 20 Trong năm công ty tiêu thụ được 2.000 sản phẩm TH 10, 1.000 sản phẩm TH 14 và 1.000 sản phẩm TH 20 với giá bán tương ứng là 200 (nghìn đồng), 300 (nghìn đồng) và 250 (nghìn đồng).
Báo cáo về doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh của công ty cho ba sản phẩm này như sau:
Chỉ tiêu | TH 10 | TH 14 | TH 20 | Tổng số |
---|---|---|---|---|
1. Doanh thu (đvt: 1.000đồng) | 400.000 | 300.000 | 250.000 | 950.000 |
2. Biến phí | 260.000 | 175.000 | 175.000 | 610.000 |
3. Lãi trên biến phí | 140.000 | 125.000 | 75.000 | 340.000 |
4. Tỉ suất lãi trên biến phí | 35% | 41,67% | 30% | 35,79% |
5. Định phí | 150.000 | |||
6. Lợi nhuận | 190.000 |
Mức lãi 190.000 (nghìn đồng) cũng như doanh thu 950.000 (nghìn đồng) ứng với cả ba loại sản phẩm. Vậy với doanh thu là bao nhiêu thì công ty đạt được điểm hòa vốn, và tại đó sản lượng của từng sản phẩm sẽ là bao nhiêu?
Lời giải
Bước 1: Xác định tỉ lệ kết cấu doanh thu của các mặt hàng tiêu thụ
Sản phẩm TH 10: (400.000 : 950.000) x 100% = 42,1%
Sản phẩm TH 14: (300.000 : 950.000) x 100% = 31,6%
Sản phẩm TH 20: (250.000 : 950.000) x 100% = 26,3%
Bước 2: Xác định tỉ suất lợi nhuận trên chi phí biến đổi bình quân của các mặt hàng
Lb% = 340.000 : 950.000 = 35,79%
Bước 3: Xác định doanh thu hòa vốn chung
Dth = 150.000: 35,79% = 419.118 (nghìn đồng)
Bước 4: Xác định doanh thu hòa vốn và sản lượng hòa vốn cho từng mặt hàng
Mặt hàng | Doanh thu hòa vốn | Giá bán | Sản lượng hòa vốn |
---|---|---|---|
TH 10 | 419.118 x 42,1% = 176.471 | 200 | 883 |
TH 14 | 419.118 x 31,6% = 132.353 | 300 | 441 |
TH 20 | 419.118 x 26,3% = 110.294 | 250 | 441 |
Như vậy để đạt được hòa vốn, Công ty may Hưng Thịnh phải thực hiện được doanh số cho sản phẩm TH10, TH14, TH20 lần lượt là 176.471, 132.353 và 110.294 nghìn đồng. Về hiện vật sẽ lần lượt là 883, 441 và 441 sản phẩm.
(Tài liệu tham khảo: Cách ứng xử của chi phí và phân tích mối quan hệ chi phí – sản lượng – lợi nhuận, Tổ hợp giáo dục Topica)