Doanh thu của hoạt động kinh doanh (Revenue) là gì? Phân loại và điều kiện ghi nhận doanh thu
Mục Lục
Doanh thu của hoạt động kinh doanh (Revenue)
Doanh thu của hoạt động kinh doanh trong tiếng Anh gọi là revenue hay sales revenue
Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS 01) định nghĩa doanh thu (của hoạt động kinh doanh) là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kì kế toán, phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của doanh nghiệp, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản góp vốn của cổ đông hoặc chủ sở hữu.
Phân loại doanh thu
Doanh thu của doanh nghiệp bao gồm (1) doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ và (2) doanh thu hoạt động tài chính.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là các khoản doanh thu hình thành từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp, như doanh thu từ hoạt động xây dựng và chuyển nhượng bất động sản của Vinaconex, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm sữa của Vinamilk hay doanh thu từ hoạt động cung cấp các dịch vụ bảo hiểm của Bảo Việt.
Ngoài doanh thu bán hàng từ cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp có thể có các khoản doanh thu của hoạt động tài chính, như thu nhập từ việc kinh doanh chứng khoán, lãi tiền gửi, cổ tức được chia...
Thông thường, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chiếm phần lớn trong tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh, tuy nhiên tỉ trọng doanh thu hoạt động tài chính nhiều hoặc ít phụ thuộc vào mức độ đa dạng hóa sang lĩnh vực đầu tư tài chính của doanh nghiệp.
Ví dụ, năm 2016 doanh thu hoạt động tài chính của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE là 685 tỉ đồng, đạt 18,7% so với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (3.663 tỉ đồng), tuy nhiên doanh thu hoạt động tài chính của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang là 58 tỉ đồng, chỉ đạt 1,4% so với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (4.154 tỉ đồng).
Điều kiện ghi nhận một khoản doanh thu
Theo VAS 14, có ba điều kiện cơ bản để ghi nhận một khoản doanh thu, đó là: (1) doanh thu được xác định tương đối chắc chắn; (2) doanh nghiệp đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch và (3) xác định được chi phí lên quan đến giao dịch.
Ngoài ra, để ghi nhận doanh thu bán hàng, còn có thêm hai điều kiện: (1) doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua; và (2) doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lí hàng hóa như người hữu hàng hóa hoặc quyền kiểm soát hàng hóa. Đối với doanh thu cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp cần xác định được phần việc đã hoàn thành vào ngày lập bảng cân đối kế toán.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo cáo tài chính phân tích - dự báo và định giá, NXB Đại học kinh tế quốc dân)