Doanh nghiệp xã hội (Social enterprise) là gì? Đặc điểm
Mục Lục
Doanh nghiệp xã hội (Social enterprise)
Doanh nghiệp xã hội trong tiếng Anh là social enterprise.
Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo một trong số những loại hình doanh nghiệp được qui định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một/các vấn đề xã hội nhất định mà doanh nghiệp này theo đuổi, bên cạnh mục tiêu kinh tế.
Phần lớn lợi nhuận thu được của doanh nghiệp dùng để phục vụ mục tiêu xã hội, ngoài ra, doanh nghiệp xã hội có thể cung cấp các dịch vụ phục vụ cộng đồng như: giáo dục, văn hóa, môi trường, đào tạo nghề, v.v...
Đặc điểm
+ Doanh nghiệp xã hội trước hết phải là một tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp
Theo qui định tại khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014: "tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng kí thành lập theo qui định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh". Điều này cũng có nghĩa, doanh nghiệp xã hội phải được thành lập nhằm mục đích kinh doanh.
Những nhà đầu tư tư nhân khi có nhu cầu thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong một lĩnh vực ngành nghề nhất định thì sẽ thành lập doanh nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở đây đó là trước khi quyết định thành lập doanh nghiệp xã hội, các "doanh nhân xã hội" đã phát hiện ra các vấn đề xã hội mà mình có thể giải quyết (ví dụ: giải quyết việc làm cho người tàn tật, người gặp hoàn cảnh khó khăn, người lao động thất nghiệp hay giải quyết các vấn đề môi trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của người nông dân v.v...) nên quyết định lựa chọn thành lập doanh nghiệp xã hội và coi đây như một giải pháp để giải quyết vấn đề xã hội đã đặt ra.
Thiết nghĩ bất cứ một tổ chức nào muốn hoạt động được và thực hiện các mục tiêu đặt ra cũng đều cần có tài chính, nhưng thay vì trông chờ vào sự tài trợ của Chính phủ hay các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện thì những doanh nghiệp xã hội dường như trở nên năng động hơn khi tự chủ sở hữu doanh nghiệp/doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận để có thể có nguồn tài chính đáp ứng cho các mục tiêu xã hội mà chủ doanh nghiệp/các thành viên của doanh nghiệp theo đuổi.
+ Doanh nghiệp xã hội luôn đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu
Doanh nghiệp xã hội một mặt vẫn thực hiện hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận nhưng đây không phải là mục tiêu trên hết của doanh nghiệp xã hội mà thay vào đó, doanh nghiệp xã hội đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu.
Mục tiêu hoạt động của các doanh nghiệp xã hội "không phải lấy lợi nhuận, mà là phục vụ những yêu cầu xã hội, như xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng bị yếu thế, xử lí vấn đề môi trường, ô nhiễm môi trường, đào tạo cho những người khuyết tật..."
Đặc điểm này khiến cho doanh nghiệp xã hội dễ bị nhầm lẫn với các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện hay tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức trên chỉ thuần túy mang tính chất giúp đỡ, hỗ trợ về mặt tài chính cho một số đối tượng gặp khó khăn trong xã hội chứ không giải quyết được tận gốc các vấn đề xã hội đó.
Trong khi đó, doanh nghiệp xã hội xác định nhóm đối tượng mà doanh nghiệp cần trợ giúp, sau đó tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho họ từ chính lợi nhuận của doanh nghiệp, theo đó góp phần giải quyết tận gốc các vấn đề của xã hội.
+ Doanh nghiệp xã hội thực hiện tái phân phối lợi nhuận để phục vụ mục tiêu xã hội
Doanh nghiệp xã hội không thực hiện việc phân phối lợi nhuận như doanh nghiệp thông thường mà sử dụng lợi nhuận đó để tái đầu tư với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội mà doanh nghiệp theo đuổi.
Hiện nay, theo qui định của Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp xã hội bắt buộc phải trích ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng kí.
(Tài liệu tham khảo: Luật Kinh tế chuyên khảo, năm 2017, NXB Lao động)