Định mức dự toán (Estimated Norm) là gì? Phân loại các định mức dự toán
Mục Lục
Định mức dự toán (Estimated Norm)
Định mức dự toán trong tiếng Anh là Estimated Norm.
Định mức dự toán là các trị số qui định về mức tiêu phí tư liệu lao động (chủ yếu là máy móc và vật liệu) và nhân công để tạo nên một sản phẩm xây dựng nào đó được dùng để lập giá dự toán trong xây dựng.
Định mức dự toán được lập trên cơ sở các số liệu quan sát, thống kê thực tế và dựa vào khoa học về định mức chi phí sản xuất.
Định mức dự toán phải đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, phản ánh đúng trình độ công nghệ và trình độ tổ chức sản xuất trong dây dựng ở một giai đoạn nhất định.
Định mức dự toán có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tính toán giá cả xây dựng vì nó là cơ sở để lập nên tất cả các loại đơn giá trong xây dựng. Một sai sót nhỏ trong việc xác định các trị số định mức có thể gây nên các lãng phí rất lớn cho xây dựng.
Theo thông tư 23/BXD-VKT ngày 15/12/1994 tất cả mọi loại định mức dự toán xây dựng đều do Bộ Xây dựng chủ trì cùng với các bộ quản lí xây dựng chuyên nghành nghiên cứu và ban hành áp dụng thống nhất trong cả nước.
Các trị số định mức chi phí được trình bày chủ yếu theo đơn vị đo hiện vật, trên cở sở đo chỉ có các đơn giá được thay đổi theo tình hình của thị trường.
Phân loại các định mức dự toán
Định mức dự toán được phân loại theo:
- Chủng loại công việc xây dựng cần thiết để tạo nên các loại công trình xây dựng.
- Mức bao quát các loại công việc nằm trong định mức được phân ra định mức dự toán chi tiết và định mức đự toán tổng hợp.
Định mức dự toán chi tiết qui định mức chi phí về vật liệu, nhân công và sử dụng máy móc theo hiện vật cho một đơn vị khối lượng công việc xây lắp riêng rẽ nào đó.
Định mức dự toán tổng hợp qui định mức chi phí về vật liệu, nhân công, và sử dụng máy móc theo hiện vật cho một đơn vị khối lượng công việc xây dựng tổng hợp.
- Mức phổ cập các định mức có thể lập chung cho mọi chuyên ngành xây dựng và lập riêng cho từng chuyên ngành xây dựng đối với các công việc xây lắp đặc biệt của các chuyên ngành này.
- Cách tính và trình bày định mức có thể là các trị số tuyệt đối hay các trị số tường đối dưới dạng tỉ lệ phần trăm (ví dụ định mức về vật liệu phụ, về hao hụt vật tư...).
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Quản trị Kinh doanh Xây dựng, NXB Khoa học và Kỹ Thuật)