Định luật Say (Say's law) là gì? Các nội dung liên quan đến Định luật Say
Mục Lục
Định luật Say (Say's law)
Định luật Say trong tiếng Anh là Say's law.
Định luật Say (Say's law) như sau: Quan điểm cho rằng tổng cung tạo ra tổng cầu cho chính nó. Trong nền kinh tế thị trường, việc sản xuất ra một mức sản lượng quốc dân nhất định đồng nghĩa với việc tạo ra mức thu nhập (tiền lương, lợi nhuận…) đúng bằng chi phí để sản xuất ra sản lượng đó.
Nếu thu nhập được đem ra chi tiêu, thì nó chỉ vừa đủ để mua sắm sản lượng đã sản xuất ra. Định luật Say hàm ý cung luôn luôn bằng cầu và không có tình trạng sản xuất thừa.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Các nội dung liên quan đến Định luật Say
Say và các đồng minh trí thức của ông chỉ ra rằng mọi người sẽ không thể nỗ lực hết sức để sản xuất một hàng hóa hoặc dịch vụ trừ khi họ có ý định đạt được một cái gì đó có giá trị tương đương nhằm đổi lại. Vì vậy, mỗi bổ sung cho lượng cung sẽ đi kèm với một sự bổ sung dự định vào lượng cầu.
Hơn nữa, hành động sản xuất tạo ra một khoản giá trị bổ sung để trao đổi lại những thứ khác. Bằng cách này, sản xuất tạo ra một "đầu ra" mới cho các sản phẩm hiện có (và mức sản lượng cao hơn gấp 17 lần sẽ tạo ra các "đầu ra" nhiều hơn 17 lần).
Những người ủng hộ định luật của Say thừa nhận rằng các doanh nhân có thể tính toán sai, sản xuất nhiều hơn mức vừa đủ một số loại hàng hoá. Nhưng xét về tổng thể, một nền kinh tế không thể sản xuất quá nhiều hàng hoá.
Nếu nguồn vốn, lao động và các nguồn lực sản xuất khác đã được dành cho việc cung ứng quá mức một loại sản phẩm, thì các lĩnh vực sản xuất khác mang tính sinh lợi lớn hơn sẽ không có đủ những nguồn lực này. Do đó, nếu một mặt hàng bị dư cung, nhiều khả năng sẽ có một mặt hàng khác bị thiếu cung. Giải pháp hiển nhiên là thay đổi cơ cấu sản xuất, hơn là giảm mức độ sản xuất.
Sai sót trong Định luật Say
Có ít nhất hai sai sót trong quan điểm của Say về nền kinh tế. Nếu một doanh nhân không thể bán được nhiều hàng như dự định, anh ta (và tất cả những người mà anh ta thuê mướn hoặc kinh doanh cùng) cũng sẽ không có đủ tiền để mua nhiều như dự tính. Mặc dù họ có thể dự định lượng cầu lớn hơn (và sẽ làm như vậy nếu nguồn lực của họ được sử dụng tốt hơn), họ có thể không có cách nào để đưa nhu cầu đó trở thành hiện thực.
Thứ hai, mọi người có thể tích trữ tiền kiếm được từ việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ, giữ nó lại như một tài sản, thay vì chi tiêu nó cho những thứ khác. Do đó, thiếu hụt cung tiền có thể tồn tại song song với tình trạng dư cung của tất cả những hàng hóa khác. Đó thực sự là một lời giải thích cho cuộc Đại Suy thoái.
Tuy nhiên, trong dài hạn, định luật của Say nhìn chung là đúng. Và bằng cách tăng cung tiền để đáp ứng bất kì lượng cầu nào đối với nó, các ngân hàng trung ương hiện đại có thể cố gắng để biến định luật này thành hiện thực kể cả trong ngắn hạn.
(Tài liệu tham khảo: economist.com)