Điều khoản hợp đồng tương lai (Terms Futures Contract) là gì?
Mục Lục
Điều khoản hợp đồng tương lai (Terms Futures Contract)
Điều khoản hợp đồng tương lai trong tiếng Anh gọi là Terms Futures Contract.
Điều khoản hợp đồng tương lai là các nội dung được sở giao dịch chứng khoán phái sinh qui định căn cứ vào từng loại tài sản cơ sở cụ thể của hợp đồng.
Các điều khoản cơ bản
Những điều khoản căn bản nhất của hợp đồng tương lai thường bao gồm:
Tài sản cơ sở: Là hàng hóa hoặc công cụ tài chính được sử dụng làm cơ sở để thiết kế hợp đồng tương lai.
Tài sản cơ sở có thể được biểu đạt bằng nhiều tên gọi khác như: Công cụ cơ sở, công cụ gốc, công cụ cơ sở trên thị trường giao ngay. Nhà đầu tư giao dịch hợp đồng tương lai đối với loại tài sản cơ sở nào là gián tiếp giao dịch và chịu tác động từ sự biến động giá của tài sản đó.
Chất lượng tài sản cơ sở: Chất lượng của tài sản cơ sở được xác định rõ trong hợp đồng tương lai nhằm đảm bảo mọi đối tượng tham gia giao dịch công cụ phái sinh này đều biết rõ và nhất quán về hình thức và chất lượng tài sản mà mình giao dịch. Điều khoản này thường áp dụng cho hợp đồng tương lai hàng hóa.
Qui mô (hay hệ số nhân) hợp đồng: Là số lượng hay giá trị tài sản cơ sở mà bên mua và bên bán có thể giao dịch tương ứng với một hợp đồng tương lai. Ví dụ, qui mô của một hợp đồng tương lai dầu thô là 25 tấn dầu thô, khi đó, nếu bạn giao dịch 04 hợp đồng, bạn sẽ nắm giữ vị thế tương đương 100 tấn dầu thô.
Đơn vị yết giá, bước giá: Nhìn chung, hợp đồng tương lai thường được yết giá theo cách tương tự như yết giá tài sản cơ sở trên thị trường giao ngay.
Ngoài ra, sở giao dịch nơi hợp đồng tương lai được niêm yết thường cũng đưa ra qui định về bước giá, tức là mức biến động (tăng hay giảm) tối thiểu được chấp nhận của giá hợp đồng tương lai so với mức giá khớp gần nhất.
Giờ giao dịch: Là thời gian trong ngày khi giao dịch hợp đồng tương lai được diễn ra trên sở giao dịch (thường qui định giờ mở cửa và giờ kết thúc một phiên hoặc một ngày giao dịch).
Tháng đáo hạn: Là tháng mà hợp đồng tương lai phải được thanh toán theo một trong hai hình thức (đã được qui định rõ trong hợp đồng tương lai): Chuyển giao vật chất hoặc thanh toán bằng tiền. Đặc tính này được qui định tùy theo thông lệ của từng sở giao dịch trên thế giới và tùy theo từng loại tài sản cơ sở.
Ngày đáo hạn: Là một ngày trong tháng đáo hạn; sau ngày đó, mã hợp đồng tương lai liên quan không còn được giao dịch trên thị trường nữa, tức là hợp đồng hết hiệu lực và việc thanh toán phải thực hiện giữa bên mua và bên bán.
Giá thanh toán cuối ngày, giá thanh toán cuối cùng
- Giá thanh toán cuối ngày (daily settlement price) là mức giá của hợp đồng do sở giao dịch chứng khoán xác định để tính toán giá trị lãi/lỗ phát sinh trong ngày của từng hợp đồng.
- Giá thanh toán cuối cùng (final settlement price) là mức giá của hợp đồng do trung tâm thanh toán bù trừ phối hợp với sở giao dịch chứng khoán xác định để tính toán giá trị lãi/lỗ phát sinh trong ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng.
Phương thức thanh toán: Việc thực hiện nghĩa vụ của các bên liên quan (bên mua và bên bán của hợp đồng tương lai) khi hợp đồng đáo hạn có thể được thực hiện theo một trong hai phương thức sau:
- Chuyển giao vật chất: Bên bán giao tài sản cơ sở và nhận tiền thanh toán, bên mua thanh toán tiền và nhận tài sản cơ sở được bên bán chuyển giao.
- Thanh toán bằng tiền mặt: Một bên trả (hoặc nhận) cho (từ) bên kia số tiền căn cứ trên kết quả lãi/lỗ của các vị thế hợp đồng tương lai được xác định lần cuối theo giá thanh toán cuối cùng.
Giới hạn biến động giá hàng ngày: Là mức biến động (tăng hoặc giảm) tối đa của giá hợp đồng tương lai trong ngày giao dịch so với giá cơ sở.
Trong đó, giá cơ sở do sở giao dịch chứng khoán phái sinh qui định và thường được lấy là giá thanh toán ngày hôm trước của hợp đồng tương lai tăng hoặc giảm chạm đến giới hạn này, giao dịch đối với mã hợp đồng tương lai đó có thể tạm thời bị ngừng lại.
Giới hạn vị thế: Là số lượng hợp đồng tương lai tối đa mà nhà đầu tư được phép nắm giữ đối với một loại tài sản cơ sở nhất định tại một thời điểm cụ thể. Điều khoản này được đưa ra nhằm giúp sở giao dịch kiểm soát tình trạng lũng đoạn thị trường và quản lí những rủi ro khác có thể xảy ra khi một cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ vị thế quá lớn.
(Tài liệu tham khảo, Giáo trình Chứng khoán phái sinh & Thị trường chứng khoán phái sinh, NXB Lao Động)