Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là gì? Nội dung hoạt động của APEC
Mục Lục
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation)
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương trong tiếng Anh là Asia-Pacific Economic Cooperation; tên viết tắt là APEC.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác.
Quá trình hình thành và phát triển
APEC được ra đời vào năm 1989 từ ý tưởng của Cựu thủ tướng Úc Bob Hawke, trụ sở chính ở Singapore. Các nước có trong APEC từ lúc khi mới sáng lập là Úc, Brunei, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Mỹ.
Cho đến thời điểm này, APEC có 21 thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới và đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới. (Tài liệu tham khảo: Bộ Ngoại giao Việt Nam, mofahcm.gov.vn)
Nội dung hoạt động của APEC
Nội dung hoạt động xoay quanh ba trụ cột chính là tự do hoá thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, và hợp tác kinh tế kĩ thuật với các chương trình hành động tập thể (CAP) và chương trình hành động quốc gia (IAP) của từng thành viên.
Nói cách khác, mục tiêu của APEC không phải là để xây dựng một khối thương mại, một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do như kiểu EU, NAFTA hay AFTA, mà là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác.
(Tài liệu tham khảo: Bộ Ngoại giao Việt Nam, mofahcm.gov.vn)
Mục tiêu của APEC
- Tuyên bố Seoul 1991 đề ra 4 mục tiêu phát triển trong APEC gồm:
+ Duy trì tăng trưởng và phát triển, vì lợi ích chung của nhân dân các nền kinh tế trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng và phát triển chung của kinh tế thế giới.
+ Phát huy những tác động tích cực của sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng đối với kinh tế khu vực và thế giới, bằng cách đẩy mạnh sự giao lưu hàng hoá, dịch vụ, vốn và công nghệ.
+ Xây dựng và tăng cường hệ thống thương mại đa biên, vì lợi ích của Châu Á -Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.
+ Giảm dần những rào cản đối với thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa các nền kinh tế thành viên phù hợp với các nguyên tắc của WTO, và không có hại đối với các nền kinh tế khác.
- Tuyên bố Bogor 1994 xác định mục tiêu của APEC là: thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư tại Châu Á - Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển là 2020.
Theo "Báo cáo đánh giá giữa kì về tiến độ thực hiện mục tiêu Bogor" được APEC công bố năm 2016, mức độ tự do hoá thương mại và đầu tư, mở cửa thị trường hiện nay của APEC đã vượt xa rất nhiều so với thời điểm mục tiêu Bogor được đưa ra.
Thứ nhất, về mở cửa thị trường, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của thương mại hàng hoá từ năm 1994 đến năm 2014 là 7,8%, đạt 18,4 nghìn tỉ USD trong năm 2014.
Thứ hai, mức độ tự do hoá sâu rộng của APEC còn thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định thương mại khu vực (RTA).
Thứ ba, APEC có thể xem là vườn ươm cho những sáng kiến, những ý tưởng về hội nhập gắn với phát triển.
Với vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục đưa việc "đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu Bogor" là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của APEC. Việt Nam đang tích cực cùng các thành viên triển khai những sáng kiến nhằm giải quyết những rào cản tồn tại được nêu ra trong "Báo cáo đánh giá giữa kì về tiến độ thực hiện mục tiêu Bogor", hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Bogor vào năm 2020.
(Tài liệu tham khảo: Bộ Công Thương Việt Nam, moit.gov.vn)